Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em

Khán giả xem truyền hình cả nước có lẽ không khỏi xúc động khi bắt gặp hình ảnh cháu Châu Văn Phúc Thiên (SN 1999), ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) bị xích chân bằng sợi xích sắt dài 3m, tay phải bị gẫy phải bó nẹp, trên người chằng chịt những vết thương (có chỗ đang rỉ máu) do những trận đòn của người cha nát rượu... trong chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam tối 2/6/2012. Thật đáng lên án, vụ việc xảy ra đúng vào Tháng hành động vì trẻ em, khi cả nước đang chung tay “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”.


Theo báo cáo trình Chính phủ của Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bình quân mỗi năm ở nước ta có 1.000 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục; khoảng 3.000 đến 4.000 vụ bạo lực trẻ em... Số lượng trẻ em bị xâm hại và bạo lực không có dấu hiệu giảm mà còn gia tăng cả về số lượng, lẫn tính chất, mức độ qua thống kê từng năm. Có lẽ, vụ việc cháu Phúc Thiên bị chính cha mẹ hành hạ chưa phải là vụ việc cuối cùng. Còn rất nhiều trẻ em, ở cả thành thị lẫn nông thôn, đang hằng ngày phải hứng chịu sự ngược đãi từ chính người thân của mình. Hành động đó, chắc chắn sẽ để lại trong tâm hồn những đứa trẻ bị hành hạ những nỗi đau, nỗi ám ảnh suốt cả cuộc đời.


Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bạo hành. Trước hết là đội ngũ những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu về số lượng, hạn chế về kinh nghiệm. Nhận thức của một bộ phận người dân (bao gồm cả cha mẹ trẻ, cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở...) còn chưa đầy đủ, đúng mức, khiến nhiều hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, tố giác. Việc xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin về trẻ bị xâm hại, lạm dụng cũng chưa được các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm, dẫn tới việc can thiệp, trợ giúp khi trẻ em bị bạo hành, xâm hại không kịp thời...

 

Mới đây, tại Hội thảo về phòng chống tội phạm đối với phụ nữ và trẻ em do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức, khi đề cập tới những giải pháp phòng ngừa, có rất nhiều ý kiến cho rằng, cần phải gõ cửa từng nhà, đả thông đến từng gia đình về vấn đề bảo vệ trẻ em, xóa bỏ tư tưởng ở một bộ phận gia đình coi con cháu như “vật sở hữu riêng”, dùng cực hình đối với con cái mỗi khi chúng mắc khuyết điểm. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tới từng gia đình nhằm thay đổi nhận thức và hành vi trong giáo dục con cái theo hướng ″nói không với bạo lực″. Phải coi bạo lực với con cái là vi phạm pháp luật chứ không phải “thương cho roi cho vọt”, là răn dạy con, là việc riêng của từng gia đình, là quyền đương nhiên của người làm cha, làm mẹ. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống dịch vụ tư vấn cho gia đình và trẻ em về vấn đề giáo dục kỹ năng sống và nhân cách cho giới trẻ; dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp dành cho trẻ em bị bạo lực... Khi phát hiện gia đình có hành vi bạo lực với con cái cần đấu tranh, tố giác, lên án mạnh mẽ, kiến nghị biện pháp xử lí nghiêm minh.


Trẻ em là đối tượng không có khả năng tự vệ. Vì vậy, các em rất cần sự gần gũi, một môi trường an toàn do người thân mang lại. Mỗi gia đình, mỗi cá nhân cần có những hành động thiết thực để chăm sóc, bảo vệ trẻ em, để tuổi thơ và nhân cách của trẻ được phát triển trong một môi trường lành mạnh, trong vòng tay nhân ái của gia đình và cộng đồng.

 

Y.N

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN