“Vấn nạn” đội giá

Những ngày gần đây, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin về kết quả kiểm toán đối với dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I). Các báo dẫn thông báo của Kiểm toán Nhà nước: Vốn đầu tư cho dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bị đội lên tới hơn 5.200 tỷ đồng.


Quả là con số đáng phải suy ngẫm


Theo Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân làm dự án bị đội giá là do sai từ công tác khảo sát đến thi công, nghiêm trọng là sự bớt xén ở khâu khảo sát thiết kế. Cụ thể, nội dung khảo sát dự án không đề cập đến vấn đề thủy văn, thay vào đó là sử dụng các số liệu điều tra thủy văn của một số dự án tương tự như dự án Cầu Giẽ- Ninh Bình...


Có hàng loạt sai phạm được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, như việc áp dụng định mức không phù hợp với thực tế thi công đã ảnh hưởng rất lớn đến giá dự toán và giá gói thầu; bóc tách sai khối lượng so với khối lượng hồ sơ thiết kế; sai sót trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự toán; sai lệch về độ dày kết cấu nền, mặt đường so với thiết kế, ... Với số liệu được Kiểm toán Nhà nước công bố, nhiều người có cùng quan điểm, dự án cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình là điển hình về lãng phí từ đầu tư công. Vấn đề đặt ra là phải chỉ ra được những đơn vị, cá nhân phải chịu trách nhiệm về những khoản đầu tư lãng phí. Mà theo Kiểm toán Nhà nước, trách nhiệm thuộc về Ban quản lý dự án 1, Ban quản lý dự án Thăng Long và nhà thầu tư vấn khảo sát lập dự án.


Có một sự thật đáng buồn, kết quả kiểm toán dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chỉ là một trong nhiều dự án giao thông gây sự lãng phí và làm tổn thất lớn nguồn vốn ngân sách. Chuyện lãng phí trong đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam không chỉ có ở dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình, mà còn hàng loạt các dự án khác như cao tốc Láng - Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long, Hà Nội), TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Long Thành... Từ những dự án vừa nêu, đã đặt ra vấn đề cần phải nhanh chóng bịt những lỗ hổng trong chi phí đầu tư đường cao tốc ở nước ta.


Có thể khẳng định, phát triển hạ tầng giao thông, không thể không phát triển đường cao tốc, vì đó là nền tảng cho phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy mà trong những năm gần đây, Nhà nước hết sức chú trọng đầu tư cho các dự án đường cao tốc. Nhưng kết quả thật buồn và đáng lo ngại khi tiến độ thi công các dự án quá chậm, khi người ta viện ra hết lí do này đến lí do khác để trì hoãn. Có tình trạng, nhiều chủ đầu tư không muốn làm đúng tiến độ nhằm mục đích xin điều chỉnh cái nọ, cái kia. Cụ thể, dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (khởi công đầu tháng 1/2006), nhưng đã không ít lần chủ đầu tư giãn tiến độ, mặc dù được tạo mọi điều kiện về giải phóng mặt bằng...


Thực tế quản lý đầu tư cho các công trình giao thông trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau như buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công... nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả. Điều đó lý giải, dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình,dù mới 2 năm đưa vào khai thác nhưng thường xuyên phải sửa chữa, bảo trì.


Còn nhớ, cách đây chưa lâu, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư công, một vấn đề thu hút sự chú ý của nhiều đại biểu chính là sự lãng phí của những dự án đường cao tốc. Một đại biểu dẫn chứng: 1 km đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn đi qua thành phố Đà Nẵng chi phí khoảng 267 tỷ đồng, tương đương 12,7 triệu USD. Trong khi Trung Quốc làm chỉ mất 5 triệu USD/km, còn Mỹ thì chỉ mất 4,5 triệu USD/km. Điều đó có nghĩa làm đường cao tốc ở Việt Nam đắt hơn gấp 3 lần Mỹ và 2,6 lần Trung Quốc.


Kết quả kiểm toán dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mới chỉ là góc nhỏ trong khoảng tối của các dự án giao thông hiện nay. Phải thấy rằng, đầu tư công (trong đó có các dự án giao thông) chủ yếu là từ nguồn vốn ngân sách vào các lĩnh vực phục vụ lợi ích chung. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là tiền dân đóng thuế, thua lỗ dân chịu, vậy nên nhiều người đã không ngại phóng tay, nên dự án đã bị đội giá lên nhiều lần, coi tiền đóng thuế của nhân dân như tiền chùa! 


Yến Nhi

VEC trần tình nguyên nhân “đội vốn” dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình

Theo kết quả kiểm toán dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình của Kiểm toán Nhà nước, công tác lập thiết kế cơ sở chưa đề xuất được phương án tối ưu theo quy định, nên phải thay đổi hướng tuyến 2 lần, dẫn đến thời gian lập dự án khả thi kéo dài từ quý I/1999 đến tháng 5/2005 mới phê duyệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN