Ván cờ chưa ngã ngũ

Quyết định bãi nhiệm các tướng lĩnh hàng đầu của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi mới đây được đánh giá là một hành động chính trị cứng rắn nhằm mở rộng quyền lực của tổng thống trong bối cảnh sức ép kinh tế, chính trị tăng cao ở Ai Cập.


Các vị tướng nổi danh một thời, trong đó có Thống soái Hussein Tantawi đã buộc phải về hưu để nhường chỗ cho những nhân vật trẻ hơn như Thiếu tướng Abdel Fattah al-Sisi, người vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Chủ tịch Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (CSFA).


Hành động này được coi là một “cuộc lật đổ mềm” tiến tới chấm dứt vai trò của hội đồng quân sự đầy quyền lực trong đời sống chính trị Ai Cập.


Kể từ khi đắc cử ngày 30/6/2012, ông Morsi đã bị cuốn vào cuộc tranh giành quyền lực với giới quân sự nước này. Cuộc tấn công đẫm máu tại Bán đảo Sinai hôm 5/8 vừa qua đã trở thành giọt nước tràn ly, tạo cơ hội để ông Morsi loại bỏ Bộ trưởng Quốc phòng Tantawi và “thay máu” một loạt giới chức quân sự chóp bu.


Động thái này được xem là một phần trong thỏa thuận với hội đồng quân sự cho phép các vị tướng “hạ cánh” an toàn. (Các nhà hoạt động chính trị từng nhiều lần thúc giục xét xử giới lãnh đạo quân đội đã gây thương vong cho người biểu tình từ sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ).


Và có lẽ đó là lý do quân đội Ai Cập hầu như không có phản ứng gì sau khi Tổng thống Morsi bãi nhiệm Thống soái Tantawi và Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang, Tướng Sami Anan. 


Những người ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo của ông Morsi thì tin rằng cuộc “thay máu” này là nhằm ngăn chặn phe quyền lực nhất Ai Cập suốt sáu thập kỷ qua trở lại nắm quyền.


Thực tế là trong hai năm qua kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Mubarak, Ai Cập trong tình trạng mất an ninh chưa từng thấy và khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Tỷ lệ tội phạm tăng gấp ba lần, 1/4 dân chúng trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giá cả tăng vọt, tình trạng khan hiếm hàng hóa và nhiên liệu trở nên phổ biến. Lâu nay, trong con mắt các tầng lớp dân cư, quân đội là một định chế đảm bảo cho ổn định xã hội Ai Cập.


Quan trọng hơn, quân đội hiện vẫn là lực lượng thế tục và sẽ không dễ dàng từ bỏ quyền lực hay các đặc quyền trong suốt 60 năm qua.


Quyết định sa thải các tướng và hủy bỏ tuyên bố hiến pháp của CSFA (về hạn chế quyền lực của tổng thống) đã giúp ông Morsi mở rộng quyền lực, trong đó có quyền giải tán quốc hội để soạn thảo hiến pháp mới. Tất nhiên, đây mới chỉ là chiến thắng ban đầu của ông Morsi và chiến thắng thật sự của vị tân Tổng thống này sẽ được khẳng định nếu bản hiến pháp mới được người dân chấp thuận trong một cuộc trưng cầu.


Hiến pháp này sẽ là cuộc đấu giữa phe thế tục và người Hồi giáo để xác định ai mới là người nắm quyền thực sự ở Ai Cập. Phe quân đội lúc này tuy đã bị chiếu tướng nhưng vẫn chưa hết nước cờ. Và ông Morsi sẽ phải tận dụng được thế cờ đang lên của mình để kết thúc ván đấu đầy căng thẳng này.



Nguyệt Ánh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN