Trật tự phường 'lộng gậy'

Mấy ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin được một số tờ báo đăng tải: Lực lượng trật tự đô thị phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội, làm nhiệm vụ tại khu vực ngã ba đường Láng - Thái Thịnh, đã “lộng gậy” chặn xe người tham gia giao thông, mặc dù trách nhiệm của bộ phận này chỉ được phép hỗ trợ công an phường giải quyết việc bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, ùn tắc giao thông.

 

Trật tự đô thị tuýt còi chặn xe người tham gia giao thông. Ảnh: tienphong.vn


Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, Trưởng Công an phường Thịnh Quang giải thích rằng: Trật tự đô thị phường “bất đắc dĩ” mới phải làm thế, bởi “do áp lực công việc quá nặng, một tháng cấp trên giao chỉ tiêu xử phạt 50 triệu đồng, trong khi Công an phường lại chỉ có một cảnh sát trật tự”. Cách lý giải của Trưởng Công an phường Thịnh Quang, theo nhiều người, đó chỉ là một cách bao biện.

Chưa dừng lại ở đó, sau phát biểu của Trưởng Công an phường Thịnh Quang, lãnh đạo Công an quận Đống Đa ngay lập tức đã phản bác, đồng thời cho rằng, Công an phường đã “hiểu sai chủ trương” (không có chuyện giao chỉ tiêu bằng số tiền mà bằng khối lượng công việc). Việc hiểu đúng, hiểu sai như thế nào, hãy để công luận lên tiếng. Nhưng có một thực tế khó phủ nhận là những việc làm sai trái kiểu như của đội ngũ trật tự đô thị phường Thịnh Quang cũng như phát biểu của Trưởng Công an phường, được nhiều người dân cho là “chuyện thường ngày ở huyện”!?


Khách quan mà nói, tình trạng vi phạm an ninh trật tự, vi phạm an toàn giao thông… thời gian gần đây diễn biến khá phức tạp, trong khi lực lượng CSGT lại mỏng. Chính vì thế có ý kiến cho rằng, lực lượng trật tự đô thị ra đường chặn xe người tham gia giao thông có thể “chấp nhận được”. Rồi, việc “giao chỉ tiêu” xử phạt hàng tháng, hàng năm cho các lực lượng chức năng không được pháp luật quy định, nhưng có thể hiểu, đây là biện pháp có tính chất “nội bộ” và mục đích của việc làm này là nhằm nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ.


Nhưng có người lại đặt câu hỏi, khi đưa ra mức “khoán”, không biết những người có trách nhiệm có nghĩ đến tình trạng người thi hành lạm quyền và hậu quả của nó ra sao?. Thực tế là thời gian gần đây, những vụ việc người biết luật lại phạm luật; việc tắc trách, quan liêu, xử lý vi phạm theo kiểu lạm quyền… không còn là chuyện hiếm gặp. Đã xảy ra rất nhiều trường hợp cảnh sát giao thông tùy tiện “tuýt còi” dừng người đang tham gia giao thông để kiểm tra giấy tờ, đồng thời nhăm nhăm xử phạt mặc dù lỗi vi phạm chỉ đáng nhắc nhở. Chưa kể, vì bị “khoán chỉ tiêu” nên không ít CSGT dùng nhiều cách để phạt được nhiều; sớm hoàn thành chỉ tiêu được giao.


Nhiều ý kiến cho rằng, sau hướng dẫn, điều tiết giao thông, nhiệm vụ tiếp theo của CSGT mới là xử phạt. Tuy nhiên, việc xử phạt này cũng trên tinh thần răn đe, giáo dục là chính chứ không mang nặng tạo nguồn thu cho Nhà nước hay bất kỳ tổ chức xã hội nào. Nếu lấy doanh thu từ xử phạt làm tiêu chuẩn đảm bảo trật tự của CSGT là không hợp lý. Hơn nữa do CSGT muốn hoàn thành chỉ tiêu, muốn phạt được nhiều, khi làm nhiệm vụ nhiều CSGT sẽ bỏ nhiệm vụ chính để thả lưới, thậm chí là “nấp” chờ người dân vi phạm. Nhìn từ góc độ pháp luật, đây là chủ trương không hợp với quy định nhà nước. Làm sao biết người dân vi phạm bao nhiêu mà khoán, mà đặt chỉ tiêu xử phạt. Mà một khi đã khoán thì đơn vị thực hiện bắt buộc phải phạt bằng mọi giá, mọi cách. Đây thực sự là một tình tiết tăng chế tài để CSGT phải xử lý vi phạm nhiều hơn chứ không phải mục tiêu điều tiết giao thông.


Trở lại sự việc xảy ra ở phường Thịnh Quang. Việc hiểu đúng, hiểu sai, rồi cả việc làm đúng, làm sai của lực lượng trật tự đô thị và của Công an phường này như thế nào, sẽ được cơ quan có trách nhiệm làm sáng tỏ. Rõ ràng sự lạm quyền và sự mất lòng tin của nhân dân vào việc làm của một số cán bộ công quyền có rất nhiều điều đáng phải suy ngẫm?!

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN