“Thùng rỗng kêu to”

Nhiều tờ báo (cả báo giấy và báo mạng) mấy ngày qua lan tỏa những lời lẽ nặng mùi “chợ búa” trên facebook của ca sĩ họ Đàm (Đàm Vĩnh Hưng) khi phản ứng lại những nhận xét thẳng thắn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đối với ca sĩ phòng trà này. Rất nhiều ý kiến cho rằng, đánh giá của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là xác đáng và hành động mang tính trả đũa của ca sĩ họ Đàm là không thể chấp nhận. Qua vụ việc của ca sĩ họ Đàm, như “giọt nước tràn ly”, dư luận được phen dậy sóng bởi đã một thời gian dài, nền âm nhạc nước nhà như trong tình trạng rơi tự do, không còn phân biệt đâu là thật đâu là giả. Những bất cập và sự phi lý trong làng giải trí nước nhà ngày càng được phơi bày.


 

Nền âm nhạc phát triển cần phải có những tài năng đích thực chứ không phải công nghệ lăng xê.

 

Thực tế, rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ chân chính và cả người thưởng thức nghệ thuật chân chính, đã thể hiện thái độ quá mệt mỏi và dị ứng với nền công nghệ giải trí rẻ tiền, trong đó có âm nhạc. Hãy nhìn xem các gameshow và những lời tung hô thái quá. Những danh hiệu “ông hoàng”, “bà chúa” tự khoác cho nhau, hoặc tự vơ vào cho khỏi “thua chị kém em”. Thực chất đó chỉ là thứ tung hô tùy tiện, dành cho một làn sóng âm nhạc dễ dãi, lệch lạc, xa rời thẩm mỹ, đánh lừa thị hiếu khán giả, làm hoen ố nền âm nhạc truyền thống giàu bản sắc và trí tuệ của nước nhà. Những “diva”, “hoàng tử” này, “bà chúa” nọ, thực chất chỉ là chiêu trò, sự lố lăng, biểu hiện của vốn kiến thức âm nhạc vơi cạn, sản sinh từ những lò đào tạo kiểu “mì ăn liền”, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.


Nhưng thật thất vọng, có một vài cơ quan thông tin đã ra sức tung hô, cổ súy cho dòng nhạc cùng các ca sĩ dạng này. Đáng kể, một số đài truyền hình, kênh truyền hình trả tiền còn mời họ tham gia ban giám khảo, “cầm cân nẩy mực” một số cuộc thi trên truyền hình; tạo điều kiện cho họ xuất hiện nhiều trước công chúng, khiến họ có thêm cơ hội để lòe dư luận, hoặc đánh bóng tên tuổi. Từ vụ ca sĩ họ Đàm, nhiều ý kiến gay gắt rằng, sở dĩ dòng nhạc thị trường đang lũng đoạn và làm làm chao đảo định hướng âm nhạc nước nhà, là có trách nhiệm của báo chí và cả cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật. Bởi trong thời gian rất dài, một vài tờ báo đã cố lăng xê, tạo dựng trước mắt công chúng những hình tượng, thị hiếu âm nhạc quá dễ dãi, tùy tiện thiếu chuẩn mực.


Rất nhiều ca sĩ gạo cội, trưởng thành từ hệ thống đào tạo âm nhạc chính quy, cả trong nước và ngoài nước đã thể hiện thái độ đồng tình với nhận xét của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9. Theo họ, đó là nhận xét chính xác, bởi nền âm nhạc của chúng ta đang thiếu đi những lời nói thẳng, nói thật, mà thay vào đó là thứ âm nhạc thị trường rẻ tiền, sự màu mè, phản cảm. Không thể phủ nhận, âm nhạc giải trí cũng là một mảng trong đời sống âm nhạc đất nước. Nhưng ở thời điểm hiện tại, âm nhạc thị trường phát triển quá đà, phô bày sự phi lý khi các ca sĩ “thị trường” có thu nhập cao ngất ngưởng, sống huênh hoang, hợm hĩnh. Còn những ca sĩ, nghệ sĩ được đào tạo chính quy, bài bản, khổ công rèn giũa, trưởng thành từ dòng âm nhạc “bác học”, cả đời cống hiến cho nghệ thuật, thì ít có điều kiện xuất hiện trước công chúng, sống trong khiêm nhường, đạm bạc nhưng chính họ mới là những người làm nên giá trị đích thực của nền âm nhạc Việt Nam.


Trở lại những chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về tài năng của một vài ngôi sao nổi tiếng giới showbiz Việt hiện nay, có rất nhiều ý kiến ủng hộ “lời nói thật mất lòng”, nhưng “được nhiều hơn mất” của nhạc sỹ gạo cội này. Nhiều người cho rằng, ông là người dũng cảm khi nói ra điều mà ai cũng biết, song số đông lại tìm cách né tránh. Một số nhạc sỹ, ca sĩ thành danh đã lên tiếng bảo vệ quan điểm của ông. Cho rằng, đây là sự cảnh tỉnh cần thiết cho âm nhạc nước nhà! Nếu cứ mãi bợ đỡ cho “sao” này, “sao” kia thì không biết nền âm nhạc nước nhà rồi sẽ đi về đâu? Với quan điểm của nhiều người, những nhận xét của người nhạc sỹ lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm như Nguyễn Ánh 9 là chân thành, nghiêm túc, thể hiện sự trăn trở của ông với đời sống âm nhạc đất nước, và bất cứ nghệ sỹ nào, nhất là với thế hệ đi sau, thì những lời nhận xét ấy là đóng góp đáng ghi nhận.


Nhưng với kiểu tiếp thu theo cái cách của ca sĩ họ Đàm viết trên... “chó cứ sủa, đoàn người cứ đi” cùng những ám chỉ với đồng nghiệp bậc cha chú của mình là “ngụy quân tử” thì dư luận nói chung và nhiều người hâm mộ đều thấy rõ tư cách và phẩm chất của ca sĩ này. Chẳng lạ gì, đây không phải là lần đầu ca sĩ họ Đàm tạo scandal. Chỉ cần gõ vào google thì thấy ngay những hình ảnh không được thiện cảm cho lắm cùng những lời lẽ chẳng giống ai của ca sĩ này trong cuộc sống đời thường cũng như trong hoạt động nghệ thuật.


Với đòn “điểm huyệt” của nhạc sĩ tên tuổi Nguyễn Ánh 9, dù chưa hy vọng sẽ định hướng lại gu thưởng thức âm nhạc trong một bộ phận khán giả, nhất là trong giới trẻ, nhưng chí ít đó cũng là lời cảnh báo cần thiết để dư luận nhìn nhận đúng thực chất về sự phát triển của âm nhạc hiện nay. Với những gì diễn ra trong thực tế, thì những giọng hát kiểu “ăn xổi” như Đàm Vĩnh Hưng cùng dòng nhạc son phấn, kèm sự giả tạo bao trùm chắc chắn không còn chỗ đứng trong dòng chảy âm nhạc cũng như trong lòng khán giả nước nhà.


Nền âm nhạc cách mạng, những giai điệu trữ tình giàu tình yêu quê hương, đất nước, lứa đôi…, sẽ mãi đồng hành cùng dân tộc, làm rạng danh nền âm nhạc giàu truyền thống nước nhà. Điều đó là bất biến.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN