Khi mức sống càng nâng cao thì việc tiêu dùng những loại thực phẩm chất lượng cao cũng tăng theo. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu ẩm thực, mà quan trọng hơn, nhiều người còn hy vọng là khi dùng những loại thực phầm này còn có tác dụng phòng và chữa bệnh. Vì vậy ngoài những món sơn hào hải vị có từ lâu đời, ngành chế biến thực phẩm trên toàn thế giới còn làm ra nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN), dù không đáp ứng được nhu cầu ẩm thực nhưng nó được nhiều người xem như thần dược chữa “bá bệnh”.
Đó là nhận thức hết sức sai lầm đã khiến không ít người vì tin vào công hiệu chữa bệnh của TPCN mà bỏ qua cơ hội chữa trị kịp thời, và không ít trường hợp đã bị nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân là do đâu?
Đó là do sự cả tin, không được tư vấn đầy đủ đối với người tiêu dùng cộng với những thông tin quảng cáo quá mức, thậm chí thiếu trung thực của các cơ sở sản xuất và kinh doanh, cũng như sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng. Đây cũng là 3 yếu tố “cấu thành” một thị trường TPCN nhốn nháo, và dường như đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng; trong khi đó những nhà sản xuất, kinh doanh lại thu siêu lợi nhuận.
Nhắm vào tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của người bệnh hoặc những người có thu nhập cao luôn lo cho sức khởe để giữ gìn phong độ, nhiều người kinh doanh TPCN đã đẩy giá mặt hàng này cao hơn cả thuốc đặc trị, gấp hàng chục lần giá trị thực của sản phẩm để kiếm lời. Rõ ràng là thị trường TPCN đang rất lệch lạc với những biểu hiện không lành mạnh, tạo kẽ hở cho nhiều người trục lợi mà chưa bị pháp luật xử lý, hoặc là xử lý chưa được bao nhiêu; mặc dù bản chất của nhiều người sản xuất và kinh doanh TPCN là lừa dối người tiêu dùng.
TPCN là một khái niệm rất mới với một bộ phận lớn người tiêu dùng nước ta. Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đến năm 2010, cả nước đã có tới 1.626 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với tổng số 3.721 sản phẩm; trong đó có 1.632 sản phẩm TPCN nhập khẩu. Việc phát triển nhanh chóng các cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN chứng tỏ tiềm năng thị trường lớn, mãi lực mạnh, thu lợi nhuận cao. Tuy nhiên trong thời gian gần đây ở nhiều thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh lại rộ lên việc các nhà sản xuất và phân phối TPCN vi phạm các qui định về quảng cáo sai chức năng, không đúng sự thật khiến người tiêu dùng càng khó phân biệt hơn giữa TPCN và thuốc điều trị. Khi những mánh lới đó của các nhà sản xuất và phân phối còn chưa bị xử lý thì người tiêu dùng cần phải tìm hiểu và phân biệt rõ những khác nhau cơ bản giữa thuốc và TPCN.
Rằng, TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, khi dùng không theo chỉ định của bác sĩ, khác với thuốc là phải uống theo liều; rút cục là TPCN vẫn chỉ là thực phẩm.
Nguyễn Quang Vinh