Thắng lợi của chính sách nhân quyền Việt Nam

Việc Việt Nam vừa trúng cử thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, với số phiếu cao nhất trong tất cả các nước ứng cử viên, là thắng lợi khẳng định tính đúng đắn trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề nhân quyền. Đây cũng là sự nhìn nhận khách quan của quốc tế đối với những nỗ lực và thành tựu của nước ta trong việc thực thi những quyền cơ bản của công dân.


Từ chủ trương tôn trọng và bảo vệ quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã và đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm các quyền của công dân được tôn trọng và thực hiện một cách đầy đủ nhất. Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, quyền con người ở Việt Nam ngày càng được đảm bảo hiệu quả và đầy đủ. Các chính sách mà Việt Nam đã và đang thực hiện, với con người là trọng tâm, đã mang lại những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ nghèo đói, phát triển giáo dục, chăm sóc y tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống và phúc lợi cho người dân. Đặc biệt, chính sách an sinh xã hội luôn được ưu tiên thực hiện. Đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, người yếu thế trong xã hội… là những đối tượng được chăm lo hàng đầu. Nhờ đó, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.


Các quyền làm chủ của nhân dân cũng được đảm bảo ngày một tốt hơn thông qua việc thực hiện hiệu quả hơn các quyền dân chủ trực tiếp (quyền bầu cử, ứng cử) và gián tiếp (thông qua các cơ quan dân cử như Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp), quyền tham gia ý kiến, theo dõi, giám sát và sự vận hành tốt hơn của cơ chế khiếu nại, tố cáo. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin - vốn được xem là nhóm quyền cơ bản và nhạy cảm - cũng đã đạt được những thành quả to lớn. Vấn đề đảm bảo tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam cũng luôn được coi trọng. Kể từ khi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, đời sống tôn giáo ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Người dân được tự do sinh hoạt tôn giáo trên cơ sở tôn trọng chính sách tôn giáo và pháp luật của Nhà nước. Việt Nam là thành viên của 8 Công ước quốc tế quan trọng về quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em.


Từ những thành tựu trên, có thể khẳng định rằng việc Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ là thành công to lớn của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; là đòn mạnh đánh vào các đối tượng luôn tìm cách vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam. Trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ cũng khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.


Tuyết Nhung

Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ với số phiếu cao nhất
Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ với số phiếu cao nhất

Sáng ngày 12/11 (giờ New York), Đại hội đồng LHQ khóa 68 đã bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN