Trong lúc hoạt động đăng kiểm đang “nóng” và gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT ngày 21/3/2023 của Bộ GTVT về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã “giải toả” phần nào áp lực này.
Ngay khi Thông tư 02 có hiệu lực, bước đầu, các Trung tâm đăng kiểm đã “giảm nhiệt” khi không còn cảnh lái xe ăn ngủ trên xe, xếp hàng nhiều ngày chờ đến lượt. Bên cạnh đó, những bất cập trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới đã tồn tại hàng chục năm qua cũng đã được thay đổi theo hướng có lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Hay như trước đó, Chính phủ đã ra Nghị định 07 và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế cũng đã “giải vây” cho ngành y tế trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, chữa bệnh của nhân dân.
Chỉ sau thời gian ngắn nghị quyết có hiệu lực, các bệnh viện đã tháo gỡ được các khó khăn về đấu thầu thuốc và việc sửa chữa các máy móc hiện đại, quan trọng phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Chẳng hạn, Bệnh viện Chợ Rẫy đã sửa chữa và vận hành lại 2/6 máy chụp CT, 3/5 máy xạ trị, 3 máy MRI hoạt động bình thường... Song song đó, các hoạt động mời thầu mua sắm các vật tư tiêu hao cũng được bệnh viện gấp rút triển khai; công tác khám và điều trị cho bệnh nhân đã khôi phục lại bình thường.
Trước đó nữa, việc người dân được yêu cầu phải cung cấp giấy xác nhận thông tin nơi cư trú (mẫu CT07) khi làm một số thủ tục hành chính cũng đã gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Trước vấn đề này, Cục Cảnh sát về quản lý trật tự hành chính, trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được yêu cầu người dân phải cung cấp giấy này để tránh gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu người dân…
Có thể khẳng định, những quyết sách kịp thời này ngay khi có hiệu lực, hay nói cách khác là đưa vào cuộc sống, nó đã phát huy ngay tác dụng một cách mạnh mẽ và hiệu quả; dẫn đến nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Điều này đã được đại đa số người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ; bởi nó chính là điều mà người dân luôn trông đợi, đòi hỏi đối với những quyết sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Chính sách ra đời từ thực tiễn cuộc sống, để điều chỉnh cuộc sống, hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn. Thế nhưng, muốn xã hội phát triển, các chính sách cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm phát huy các thế mạnh mà các chính sách mang lại; đồng thời có thể hạn chế, điều chỉnh những phát sinh xảy ra trong quá trình chính sách đi vào cuộc sống. Nếu chính sách vẫn lạc hậu, không theo kịp tiến bộ của đời sống xã hội, sẽ kìm hãm sự phát triển của xã hội, của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã từng chỉ đạo các cấp, các bộ, ngành phải khẩn trương, quyết liệt triển khai các chính sách để người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ sớm, hưởng thụ thật... Để làm được điều đó, điều rất quan trọng là cán bộ, cơ quan làm chính sách phải liên tục cập nhật thông tin, khảo sát thực tế tại địa phương, lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân, từ đời sống xã hội…
Hiện còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề và thủ tục gây bức xúc cho người dân cần được Chính phủ, các bộ, ngành “quan tâm” thay đổi, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Bởi, có những chính sách đã ban hành khá lâu, chưa đáp ứng kịp và cập nhật theo đà phát triển của xã hội. Thay đổi chính sách kịp thời theo hướng có lợi cho người dân - đó mới chính là một nền hành chính “của dân, do dân và vì dân” như Bác đã từng khẳng định.