Dư luận cả nước mấy ngày qua xôn xao về việc đoạn suối cổ Khe Thẻ chảy qua Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) bị băm xé, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan di tích. Với lý do là bảo vệ nhóm tháp thuộc di sản, người ta đã tạo nên đoạn suối bê tông ngoằn ngoèo bò ngang trước mặt các đền tháp cổ kính, chặn đứng dòng chảy tự nhiên của con suối. Khi dư luận lên tiếng, UBND tỉnh đã ra quyết định dừng dự án. Tuy nhiên, “được vạ thì má đã sưng”, hậu quả là dòng suối cổ của di sản thế giới với nhiều tầng văn hóa đã bị xúc đổ.
Có thể nói, dự án đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Di sản văn hóa cũng như Công ước Bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới của UNESCO (những công việc liên quan đến di sản văn hóa thế giới phải có ý kiến của UNESCO). Dẫu không mong muốn, nhưng có một sự thật buộc phải chấp nhận là cho dù đất có được đắp trả lại, thì tầng văn hóa - mối dây liên kết giữa hiện tại với quá khứ tại khu di tích Mỹ Sơn đã không còn. Ấy vậy, các đơn vị, cá nhân có liên quan vẫn viện đủ lý do để bao biện. Rằng việc cứng hóa bờ suối là cần thiết khi mùa lũ đang đến gần! Rằng dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (UBND huyện Duy Xuyên)! Nếu có sai, thì chỉ sai về quy trình, thủ tục; tức là khi triển khai dự án, những người có trách nhiệm chỉ báo cáo “miệng” cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà chưa làm thủ tục báo cáo với bộ chủ quản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)! Rằng, trong quy hoạch tổng thể di tích Mỹ Sơn đã được Thủ tướng phê duyệt, có hạng mục được kè bờ suối Khe Thẻ...
Tuy nhiên, theo Viện Bảo tồn di tích, quy hoạch tổng thể khu di tích Mỹ Sơn được Thủ tướng phê duyệt, thì mục giải pháp kè gia cố bờ suối đã ghi rõ việc chống xói lở đất hai bên bờ suối trong mùa mưa lũ phải bảo đảm yêu cầu về môi trường sinh thái và cảnh quan tự nhiên. Cụ thể là sử dụng giải pháp sinh học hai bên bờ suối Khe Thẻ như loại cây cỏ có rễ ăn sâu xuống đất để giữ đất; tuyệt đối không sử dụng các biện pháp xây kè đá hoặc bê tông để gia cố bờ suối.
Lại thêm một bài học đắt giá về công tác trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa. Thời gian gần đây, đã có không ít các di tích được trùng tu, bảo tồn một cách tùy tiện, quá đà, trong đó phải kể đến chùa Trăm Gian (Hà Nội), Khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), đình Kim Liên, chùa Trấn Quốc, thành nhà Mạc... Có lẽ bài học lớn hơn cả là sự dễ dãi, tùy tiện, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm hay là thiếu hiểu biết của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước đối với di sản ở các địa phương.
Từ sự việc xảy ra ở khu di tích Mỹ Sơn, nhiều chuyên gia về di sản văn hóa cho rằng, đã đến lúc phải đặt vấn đề bảo tồn di tích một cách nghiêm túc, bởi hiện nay ở không ít địa phương đang có phong trào “nâng đời”, “trẻ hóa” di tích, đi kèm với nó là sự lộn xộn, tùy tiện trong công tác trùng tu, bảo tồn.
Nếu sự việc xảy ra ở khu di tích Mỹ Sơn không được xử lý đúng mức, không quy rõ trách nhiệm, chắc chắn sẽ làm gia tăng tình trạng đập cũ, xây mới di tích. Như nhận xét của một chuyên gia di sản văn hóa thì "sai phạm trong công tác tu bổ di tích nhiều lắm, kể ra không hết”. Cả nước hiện có hơn 4 vạn “cụ” di tích. Với phong trào “thẩm mỹ dị hợm” diễn ra trên diện rộng như hiện nay, chẳng bao lâu nữa những di tích rêu phong cổ kính, giàu giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật sẽ chỉ còn là hoài niệm.
Yến Nhi