“Một cửa” nhưng “nhiều khóa”

Cách nói hình ảnh của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị của Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai ngày 2/1 đã điểm đúng huyệt những yếu kém và trở ngại trong quá trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính hiện nay.

 

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề “một cửa” nhưng “nhiều khóa” được đề cập. Phải thấy rằng, sau gần 7 năm thực hiện Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương", những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các thủ tục liên thông đã nảy sinh, trở thành vật cản lớn trong việc thực hiện một chủ trương lớn của Chính phủ. Thực tế cho thấy vẫn tồn tại sự chồng chéo, rối rắm và mâu thuẫn của quá nhiều văn bản pháp luật liên quan cải cách thủ tục hành chính. Vướng nhất trong thực hiện cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” vẫn là các quy trình chưa thật sự rõ ràng; việc thực hiện mỗi nơi mỗi khác. Phổ biến trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai là hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bị cơ quan có thẩm quyền trả sai hẹn; người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc. Bên cạnh đó, việc thiếu công khai, minh bạch trong các thủ tục đã tạo kẽ hở cho một số cán bộ thực thi công vụ trục lợi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.


Điều đáng nói là trong quá trình thực hiện cơ chế "một cửa, một cửa liên thông", có khá nhiều thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai bị trả chậm so với thời gian quy định, nhưng dường như các cơ quan, đơn vị, cán bộ thực thi công vụ đều cho rằng, đó không phải là lỗi ở họ; mà lỗi là do cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ... Đáng lẽ, hơn ai hết, chính các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ hành chính phải hiểu rõ thủ tục nào đang vướng, vì sao vướng, thì họ lại vin vào lý do đó để gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp. Thay vì đổ lỗi cho cơ chế, nếu những người thực thi công vụ có tâm, có tinh thần trách nhiệm với công việc, thì chắc chắn những vướng mắc (dù phức tạp đến mấy) sẽ được tháo gỡ.


Rõ ràng, nguyên nhân bao trùm là cán bộ thực thi công vụ chưa ý thức được trách nhiệm của mình. Trong khi đó, việc kiểm tra, đôn đốc của tập thể, của cấp trên thiếu sâu sát, kiên quyết, thậm chí dung túng, bao che cho cán bộ dưới quyền có sai phạm. Hơn thế, cá nhân vì quyền lợi mà làm trái; tập thể, cấp lãnh đạo cũng vì quyền lợi mà xử lý thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh...


Với quyết tâm tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ một lần nữa yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị phải vào cuộc một cách cương quyết, không để tồn tại những bất cập trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính, mà trọng tâm là nhóm thủ tục liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai. Vấn đề mang tính quyết định, đó là từng cán bộ thực thi nhiệm vụ cần có tâm huyết và ý thức trách nhiệm với công việc. Có như vậy, việc giải quyết thủ tục hành chính mới thông suốt, hiệu quả, người dân mới tin vào sự trong sạch của bộ máy công quyền.


Y.N

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN