Minh bạch thị trường

Thị trường chứng khoán là thị trường hết sức nhạy cảm, là thị trường của niềm tin. Do đó, tính minh bạch là điều cần đặc biệt chú trọng.

Việc cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" được dư luận hết sức quan tâm. Đây được xem như hồi chuông cảnh báo đối với các hành vi không minh bạch, gây nhiễu loạn trên thị trường chứng khoán.

Từ trước đến nay, nhà đầu tư không quá xa lạ với khái niệm bất cân xứng thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là khi một trong các bên giao dịch không biết và chính xác những thông tin cần biết về doanh nghiệp để đưa ra quyết định đúng đắn trong giao dịch, khi đó giá cả trên thị trường sẽ có thể quá thấp hoặc quá cao so với giá cân bằng của thị trường. Chính vì thế, những thông tin, báo cáo và số liệu được doanh nghiệp công bố là cơ sở để nhà đầu tư phân tích và ra quyết định đầu tư.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển nhanh trong những năm trở lại đây, thể hiện ở quy mô và số lượng cổ phiếu niêm yết. Theo đó, số lượng các doanh nghiệp lớn niêm yết gia tăng, gồm cả công ty tư nhân cũng như doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá đã góp phần đa dạng hóa danh mục đầu tư, làm tăng tính hấp dẫn của thị trường. Bên cạnh đó, theo số liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2021, cả nước đã có hơn 1,53 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước được mở mới, gấp hơn 1,5 lần số lượng tài khoản được mở trong 4 năm (2017-2020). Điều này cho thấy, nhà đầu tư cá nhân ngày càng tham gia mạnh mẽ và nắm vai trò chủ chốt tại thị trường chứng khoán thì việc đảm bảo tính minh bạch của thị trường sẽ càng được chú trọng quan tâm.

Một thị trường chứng khoán phát triển tốt và bền vững cần dựa trên nhân tố cốt lõi là niềm tin của giới đầu tư và niềm tin này chỉ có thể có nếu thị trường thực sự công khai, minh bạch. Đây là một việc tương đối khó, nhất là với một thị trường mới phát triển như Việt Nam. Theo đó, để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững, ngoài điều tiên quyết là các chính sách vĩ mô cần đảm bảo sự ổn định, nhất quán thì doanh nghiệp niêm yết phải nhận thức rõ việc công bố thông tin đầy đủ, minh bạch không chỉ là một nghĩa vụ tuân thủ pháp luật đơn thuần mà còn là cách để xây dựng niềm tin đối với nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp không chú trọng những điều này, việc mất niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường sẽ là điều tất yếu.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, Luật Chứng khoán mới đã đưa ra rất nhiều quy định để nâng cao tính minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết, đồng thời trao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thêm nhiều công cụ để có thể xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán một cách nghiêm khắc và triệt để. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ kiểm soát trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường, từ đó sẽ tạo ra một thị trường vừa trật tự, vừa minh bạch và công bằng cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh khung pháp lý liên quan đến công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán đã tương đối đầy đủ thì cần một sự thực thi một cách triệt để, quyết liệt để tạo sự công bằng cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Cùng với sự phát triển nhanh của thị trường chứng khoán, các quy định pháp lý cũng cần phát triển để theo kịp và tốt hơn hết là chủ động đi trước, tạo nền tảng cho sự phát triển các định chế mới, tạo nền tảng cho sự tham gia có hiệu quả của toàn xã hội vào việc giám sát, tuân thủ trên thị trường; đồng thời cần xây dựng một văn hóa độc lập, khách quan, trung thực trong mọi hoạt động của thị trường.

Có như vậy, tính minh bạch và sự bền vững của thị trường mới được củng cố vững chắc và mang lại lòng tin cho nhà đầu tư trong thời gian tới.

Minh Thuyết
Tăng giờ làm thêm, quyết sách phù hợp kịp thời
Tăng giờ làm thêm, quyết sách phù hợp kịp thời

Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định số giờ làm thêm của người lao động trong 1 tháng là trên 40 giờ nhưng không quá 60 và trong 1 năm là trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN