Lùm xùm cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp”

Cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam 2014” diễn ra từ 23/5 đến 13/7, do một website về sắc đẹp tổ chức. Trong đêm chung kết (diễn ra tối 13/7 tại Hà Nội), cùng với các ngôi Nữ hoàng, Á hoàng 1, Á hoàng 2, còn có một số giải phụ được trao, trong đó có giải "Người đẹp hình thể" dành cho thí sinh Trần Ngọc Bích (SN 1994, người gốc Quảng Ninh, hiện làm nghề người mẫu tự do tại Hà Nội).


Tuy nhiên, những bê bối của cuộc thi đã vỡ lở ngay sau đêm chung kết, khi thí sinh đoạt giải "Người đẹp hình thể" vứt dải băng danh hiệu vào xe rác rồi chụp ảnh, đăng lên trang mạng cá nhân. Cô gái này còn tố cáo Ban tổ chức cuộc thi làm ăn không uy tín, thiếu chuyên nghiệp.


Vụ việc khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra và phát hiện, đây là cuộc thi chui và Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội đã xử phạt đơn vị tổ chức 50 triệu đồng - mức phạt cao nhất theo quy định (báo Tin Tức đã đưa tin).


Những gì xảy ra tại cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam 2014” phần nào cho thấy chiếc vương miện của các cuộc thi sắc đẹp không phải lúc nào cũng lấp lánh ánh hào quang. Có lẽ, vì quá ham mê danh vọng và thiếu hiểu biết khiến nhiều người đẹp có những hành động phi văn hóa, không phân biệt được đúng sai…


Những điều tiếng xung quanh các cuộc thi nhan sắc thì có nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc thí sinh vứt danh hiệu vào thùng rác rồi chụp ảnh khoe lên mạng. Khách quan mà nói, cách thể hiện của “Người đẹp thể hình” (cả về hành động và lời nói) quả thực chưa ổn. Sẽ có người đặt lại câu hỏi, phải chăng, vì không đạt được điều mong muốn mà “Người đẹp hình thể” có cách xử sự như vậy? Chẳng lẽ người đẹp này thiếu bản lĩnh tới mức để “bị dụ dỗ” tham gia cuộc thi? Cần thấy rằng, phần lớn các thí sinh tìm đến cuộc thi này hẳn ngoài mục đích giao lưu học hỏi, họ còn nuôi tham vọng là sở hữu chiếc vương miện “Nữ hoàng” kèm theo số tiền tưởng kha khá.

Thậm chí, một số cô gái trẻ có chút nhan sắc coi chiếc vương miện là mục tiêu lớn của cuộc đời. Có lẽ, Ngọc Bích cũng không phải là ngoại lệ. Thực ra, phấn đấu vì cái đẹp, nuôi dưỡng cái đẹp, phát huy giá trị của cái đẹp để làm những việc có ích cho xã hội..., quả rất đáng trân trọng. Nhưng nếu lợi dụng vẻ đẹp của nhan sắc để kiếm tiền, coi chiếc vương miện là mục tiêu của cuộc đời thì lại không thể chấp nhận. Trở lại với trường hợp của Ngọc Bích. Nếu cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp” đường đường chính chính và ngôi vị cao nhất cuộc thi thuộc về cô, thì có lẽ chiếc vương miện của cuộc thi sắc đẹp này sẽ không bị ném vào sọt rác (đúng với nghĩa đen).


Lật giở lại các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức trong nước thời gian gần đây, không cuộc thi nào là không để lại những điều tiếng. Có một điểm chung là những lùm xùm như mua giải, dàn xếp kết quả cuộc thi không bao giờ được khán giả chấp nhận và bị dư luận lên án gay gắt. Điều đó đã làm cho hình ảnh các cuộc thi ngày một xấu đi và mất dần niềm tin nơi người hâm mộ.

Bài học của những hoa hậu, á hậu "ao làng" trong vô số các cuộc thi sắc đẹp như lời cảnh tỉnh với các bạn trẻ đang ảo tưởng tham dự các cuộc thi sắc đẹp để tìm kiếm danh hiệu dù tổ chức trong nước hay nước ngoài. Có lẽ đã đến lúc các cô gái trẻ, có chút nhan sắc phải nhìn nhận lại mình, phải biết giữ mình, đừng trở thành con mồi béo bở cho đơn vị tổ chức, cho các "ông bầu" lợi dụng, biến thành kẻ mua vui cho người khác và bị xã hội bàn tán, chê cười.


Hy vọng những đấu trường nhan sắc sẽ ngày càng được sàng lọc kỹ hơn để không còn những kết cục buồn như “Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam 2014”.

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN