Không thể 'bảo kê' cho cái xấu

Sau “quyết tâm lôi ra ánh sáng” của một số tiểu thương, sau sự vào cuộc bất chấp nguy hiểm của nhiều nhà báo, vụ việc “bảo kê” chợ Long Biên hiện giờ đã được đặt lên bàn của cơ quan công quyền.

Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội và lãnh đạo quận Ba Đình đều có công văn hoả tốc yêu cầu làm rõ vụ việc. Công an đã vào cuộc điều tra. Ban quản lý Chợ cũng đã tạm đình chỉ 4 cá nhân của tổ bốc dỡ số 2 có liên quan để viết bản tường trình và chờ kết luận cuối cùng của công an.

Tuy nhiên, liệu như thế có là muộn không, khi vụ việc dường như đã kéo dài một thời gian… không ngắn. Để như lời tố cáo của tiểu thương, người ít, kẻ nhiều mỗi lần muốn có chỗ đỗ xe, chuyển hàng họ đều phải chi ra từ 200.000-350.000 đồng, tuỳ mức độ to nhỏ của xe. Có hộ, còn phải nộp thẳng luôn 100 triệu đồng/năm. Đều là tiền “bến bãi”, khoản tiền không hề có trong bất cứ quy định thành văn nào của ngay chính Ban quản lý chợ.

Vẫn biết là khoản thu không hợp lệ, không có trong quy định, cũng vô lý như kiểu thu tiền “hít khí trời”, bởi chỗ đỗ xe, chuyển hàng là của chung; không thuộc sở hữu của ai để mà cho thuê cả. Nhưng chính những “luật bất thành văn” ấy đôi khi lại có sức nặng ghê gớm, bởi nếu không tuân theo, thì không có chỗ đỗ xe, không có chỗ để xếp hàng mà chuyển. Với tiểu thương kinh doanh ở một chợ đầu mối, thế thì có khác gì bị chặt đứt nồi cơm.

Còn nhớ, ngay trước vụ “bảo kê” chợ Long Biên, hồi giữa tháng 8 vừa qua, dư luận cũng đã “sốc nặng” với thông tin có bảo kê bến bãi xe cứu thương tại Bệnh viện 103 (Hà Nội). Một nhóm người đã khẳng định họ phải thuê bến bãi ở đây 100 triệu đồng/ tháng, nên yêu cầu mỗi xe cứu thương khi vào bệnh viện đón bệnh nhân phải nộp 1,5 triệu đồng, nếu không sẽ không cho di chuyển ra. Đau xót hơn là câu chuyện được người nhà bệnh nhân kể, về người bệnh ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện trả về, mà khi ra cổng, vẫn có kẻ áp đến đòi tiền mới cho xe cứu thương đi.

Vụ việc khiến dư luận dậy sóng. Lãnh đạo bệnh viện 103 ngay lập tức phải tổ chức họp báo, khẳng định không có chuyện bảo kê bến bãi xe cứu thương và lên tiếng xin lỗi người nhà bệnh nhân. Các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Công an quận Hà Đông, công an phường Phúc La – nơi có trụ sở của bệnh viện 103 cũng đã cùng vào cuộc để điều tra làm rõ, khẳng định sẽ xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Tuy nhiên, đến hiện tại cũng chưa có một kết luận điều tra nào được đưa ra. Dư luận vẫn chỉ đang lơ lửng giữa lời khẳng định của giám đốc bệnh viện và lời tố cáo của người nhà bệnh nhân.

Còn trước đó nữa, cũng đã từng xảy ra những vụ bảo kê cho xe tải trên đường quốc lộ, bảo kê cho lâm tặc hoạt động trái phép… Xem ra cái khái niệm “bảo kê” ngày càng phổ biến trong xã hội, có mặt ở vô số ngành nghề, vô số địa phương.

Thế nhưng, xem ra cũng chỉ khi có người lên tiếng tố cáo, thì bảo kê mới bị lôi ra ánh sáng, còn thì, vẫn cứ an ổn sống “ký sinh”, như một thứ “quyền lực” không có tên, nhưng lại đầy sức mạnh. Dù là sức mạnh của sự không chính danh và không được phép.

Tra theo từ điển tiếng Việt, “bảo kê” có nghĩa là “bảo vệ an toàn cho các hoạt động chui lậu, không được nhà nước cho phép”. Làm rõ hơn, thì bảo kê phản ánh hiện tượng tiêu cực trong xã hội, mà “ở đâu có cấm đoán, có xin - cho và có sinh lợi thì ở đó có bảo kê”.

Người bị bảo kê đương nhiên là những người yếm thế. Còn những người bảo kê tất nhiên phải có sức mạnh, hoặc có quyền. Có sức mạnh thì chính là “xã hội đen”, “giang hồ”. Còn có quyền, thì chính là những người được phép “thi hành công vụ”, có quyền lực được trao trong tay, họ nhân danh quyền ấy để đặt “luật riêng”, mang lại lợi ích riêng cho mình, cho nhóm của mình.

Bảo kê trong vụ Bệnh viện 103 chính là một dạng giang hồ. Bảo kê tại chợ Long Biên nếu thật sự có, hay bảo kê cho lâm tặc, bảo kê cho xe tải trên quốc lộ… thì là bảo kê của những “người thi hành công vụ”. Bảo kê dạng nào cũng là xấu, là điều đáng lên án, đáng phải xóa bỏ bằng mọi cách.

Nhưng với bảo kê dạng sau, sự nghiêm trọng lại ở một mức độ khác. Bởi thay vì phục vụ nhân dân, làm “nô bộc” cho dân, họ đang lạm dụng quyền lực của mình để chèn ép dân, tự mình tha hoá, biến chất.

Vẫn đang chờ một kết luận từ vụ việc bảo kê bãi đỗ xe cứu thương bệnh viện 103. Vẫn đang chờ một kết luận từ vụ việc bảo kê chỗ đỗ xe, chuyển hàng chợ Long Biên. Chờ những kết luận và hơn nữa chờ những xử lý, để bảo kê – “sự bảo vệ cho những hành động chui lậu, không được phép” sẽ không được phép tồn tại trong xã hội pháp trị này của chúng ta!

Phạm Tuyết
Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Thông tin về tình trạng bảo kê tại chợ Long Biên là có cơ sở
Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Thông tin về tình trạng bảo kê tại chợ Long Biên là có cơ sở

Ngày 28/9, tại cuộc giao ban giữa UBND thành phố Hà Nội với các sở, ngành, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh việc cơ quan báo chí phản ánh có bảo kê ở chợ Long Biên, với những hình ảnh của Đài truyền hình Việt Nam đăng tải việc các đối tượng có hành vi đánh, cưỡng đoạt và cầm nhận tiền là có cơ sở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN