Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), thông qua một người môi giới làm nghề phong thủy, Nguyễn Duy Linh đã nhận hối lộ của Phan Văn Anh Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) nhằm “giúp đỡ, tìm hiểu thông tin” sau những sai phạm của Vũ liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất công sản tại TP Đà Nẵng và một số địa phương. Vũ đã nhờ người nhiều lần đưa tiền và quà cho Linh, với giá trị hàng tỷ đồng. Một điểm đáng chú ý nữa là Linh còn chủ động thúc giục Vũ “ủng hộ tài chính để lo công việc”. Thậm chí, qua điện thoại, Linh còn khuyên Vũ “cố gắng qua châu Âu”…
Cơ quan Cảnh sát điều tra hiện đã đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố Nguyễn Duy Linh về tội “nhận hối lộ”. Và do trong quá trình điều tra, Linh luôn quanh co, chối tội, che giấu hành vi vi phạm pháp luật của mình, nên theo Cơ quan điều tra, cần phải xử lý Linh bằng một bản án nghiêm khắc mới có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Vụ án Nguyễn Duy Linh một lần nữa cho thấy cuộc chiến phòng, chống tham nhũng do Đảng ta khởi xướng vẫn vô cùng cam go, khốc liệt, khi “giặc nội xâm” đã len lỏi vào những nơi vốn được coi là thành trì bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia. Thủ đoạn và phương cách vi phạm của các đối tượng cũng vô cùng tinh vi, thông qua những mối quan hệ hết sức phức tạp… mà nếu không được phơi bày ra ánh sáng thì ít người tin đó lại là sự thật.
Giai đoạn vừa qua, không ít tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp trong ngành Công an cũng đã bị kỷ luật, xét xử về những sai phạm, khuyết điểm, thậm chí có hành vi tiếp tay cho tội phạm. Điển hình là hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân, đã bị phạt tù về những sai phạm trong quá trình công tác - cũng liên quan đến Phan Văn Anh Vũ. Hay như Phan Văn Vĩnh, nguyên Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), và Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cũng bị phạt tù vì hành vi “bảo kê” cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ…
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, trên 87.000 cán bộ, đảng viên đã bị kỷ luật, trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; trên 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; trên 30 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang) đã bị xử lý kỷ luật… “Rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, uy tín, vững mạnh của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh như vậy.
Thực tế cho thấy tham nhũng song hành với quyền lực, gắn với công tác cán bộ, với công tác xây dựng Đảng. Khi bổ nhiệm cán bộ, có thể lúc này lúc khác vẫn để lọt một số trường hợp được “nâng đỡ không trong sáng”, nhưng cơ bản người được bổ nhiệm đều hội đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực. Sự tha hóa thường chỉ nảy sinh trong quá trình công tác, khi quyền lực đi liền với những cám dỗ mà người thiếu bản lĩnh, dao động tư tưởng sẽ dễ bị sa ngã. Đó chính là quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - một kẻ thù giấu mặt vô cùng nguy hiểm, khó nhận diện và đến nay vẫn là một thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ, với quyết tâm cao phòng, chống tham nhũng “không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm”. Giải pháp “ba không” của nhiệm kỳ Đại hội XII trở về trước, nay đã được bổ sung “không muốn” tham nhũng (không thể, không dám, không cần, không muốn) nhằm xác định tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu. Điều này một lần nữa cũng khẳng định quan điểm nhân văn, nhân đạo của Đảng trong xử lý tiêu cực: Xử một vài người để răn đe, giáo dục, cảnh tỉnh người khác đừng vi phạm; cảnh báo, ngăn ngừa là chính, không phải cốt xử cho nhiều, xử cho nặng mới là nghiêm.
Trở lại với vụ án Nguyễn Duy Linh, vụ việc này cho thấy dù có “ngụy trang” kín đáo cỡ nào thì mọi hành vi sai phạm sớm muộn cũng bị đưa ra ánh sáng, như “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”. Cho dù thời điểm xảy ra vụ việc đã gần 4 năm nhưng tính thời sự thì vẫn còn nguyên, là hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi cán bộ, đảng viên. Vụ án cũng có những điểm tương đồng với những gì vừa xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), nơi bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội, bị tuyên y án sơ thẩm 10 năm tù giam về hành vi “rút ruột” hàng tỷ đồng của Nhà nước từ việc mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Đó là, dù đây tiếp tục chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng hành vi của họ cho thấy sự tha hóa, biến chất, sự thờ ơ, vô cảm của một bộ phận người có quyền chức là “vấn đề thời nào cũng có, chỉ có nhiều hay ít, rộng hay hẹp… Còn quyền, còn chức, còn tiền, nếu con người ta không tu dưỡng, rèn luyện, sẽ còn xảy ra” tham nhũng - như nhìn nhận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XIII vừa qua.
Trong bối cảnh đất nước chịu nhiều tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 suốt một năm rưỡi vừa qua, nhiều địa phương và các lực lượng ở tuyến đầu đến thời điểm này vẫn phải căng mình “đánh giặc COVID”, người lao động và người sử dụng lao động ở hầu khắp các lĩnh vực, ngành nghề đều lao đao, khốn khó và nhân dân cả nước vẫn đang vì đại cục mà góp công, góp của cho công tác phòng, chống dịch, thì mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực trở nên lạc lõng, xấu xí hơn rất nhiều và đều đáng bị lên án và bị xử lý nghiêm theo đúng pháp luật. “Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”, cũng chỉ như vậy thì nhân dân mới thêm tin yêu Đảng, tin tưởng vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.