Hành động vì trẻ em

Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn khiến trẻ em tử vong trong những ngày gần đây khiến người ta lại phải hỏi một câu hỏi cũ: Trách nhiệm của người lớn ở đâu?

Vụ việc khiến dư luận quan tâm nhất chính là vụ bé trai ở Thái Bình bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón suốt cả ngày 29/5, để rồi cuộc sống của em mãi mãi dừng ở tuổi lên 5. Chắc chắn những người chịu trách nhiệm về cái chết của bé sẽ phải trả giá trước pháp luật, nhưng câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để không có trẻ em nào chết oan uổng vì sự tắc trách của người lớn nữa. Năm 2019, cả nước cũng đã rúng động khi bé trai lớp 1 ở trường tiểu học Gateway (Hà Nội) qua đời sau khi bị bỏ quên 9 tiếng trên xe đưa đón. Vậy nhưng 5 năm sau, vụ việc vẫn lặp lại. Có vẻ như người lớn chưa học được bài học của mình.

Cũng trong ngày 29/5 tại Cần Thơ, hai anh em ruột 6 và 8 tuổi tử vong vì đuối nước ở một đoạn sông. Điều đáng nói là đoạn bờ kè gần nơi xảy ra vụ đuối nước trước đây được rào chắn, nhưng gần đây đã bị gỡ rào để chuẩn bị lắp đặt lan can. Trong lúc rào cũ không còn và lan can mới chưa có, tử thần đã kịp lấy đi hai sinh mạng bé bỏng. Trách nhiệm chưa rõ thuộc về ai, nhưng có thể nói rằng đó là của những người lớn.

Ngày 2/6, tại Đồng Nai, xe đầu kéo và xe đạp điện va chạm trong một vụ tai nạn giao thông khiến một bé gái 4 tuổi tử vong tại chỗ…

Những vụ việc đau lòng liên quan trẻ em không phải là hiếm, thậm chí có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại, khi trẻ em dường như không có một không gian nào được coi là an toàn tuyệt đối. Dù là ở trường, ở ngoài đường hay ở nhà, luôn có những rủi ro, sự cố rình rập trẻ em mọi lúc, mà chỉ cần một chút bất cẩn của người lớn là trẻ em phải trả giá bằng cả sinh mạng.

Hàng năm, riêng tai nạn đuối nước cũng đã cướp đi trên dưới 2.000 sinh mạng trẻ em. Còn về tai nạn giao thông, trong năm 2023, tỷ lệ trẻ em thương vong chiếm 7,8% tổng số nạn nhân tai nạn giao thông, tương đương khoảng 2.100 trẻ em, trong đó có 900 trẻ em tử vong.

Ngoài tai nạn thương tích, trẻ em còn đối mặt với nạn bạo hành, xâm hại tình dục. Trường hợp bé gái 12 tuổi ở Thanh Trì (Hà Nội) bị xâm hại tới mức mang thai và sinh con mới đây là ví dụ điển hình, đáng báo động về vấn đề bảo vệ trẻ em.

Không chỉ bảo đảm an toàn về tính mạng và thể xác, bảo đảm an toàn về mặt tinh thần cho trẻ em cũng là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm.

Trong xã hội hiện đại, áp lực mà người lớn đặt lên vai trẻ em trong vấn đề học tập, thi cử ngày càng nặng nề, vô tình đẩy các em vào những suy nghĩ, hành động dại dột. Mới đầu tháng 5, một học sinh lớp 6 ở Đà Nẵng đã nhảy lầu sau khi chịu nhiều áp lực trong học tập. Tháng 3, hai nữ sinh 15 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh tự tử bằng thuốc ngủ mà nguyên nhân là áp lực gia đình. Ba trường hợp trên may mắn giữ được mạng sống. Tuy nhiên, đã từng có những vụ tự tử mà cái kết chính là cái chết.

Vấn nạn học sinh tự tử do áp lực học hành dường như ngày càng tăng trong những năm gần đây, để lại những nỗi đau không thể nào lành cho gia đình, xã hội.

Có thể nói người lớn chưa thực sự tạo được một môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em phát triển. Để trẻ em phải sống trong thế giới mất an toàn cả về thể xác và tinh thần là lỗi của không ai khác chính là người lớn.

Để nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ trẻ em, hàng năm, chúng ta đều có Tháng hành động vì trẻ em là tháng 6 – thời điểm có Ngày Quốc tế Thiếu nhi và là tháng trẻ em bắt đầu nghỉ hè, thời điểm cần được đảm bảo an toàn hơn.

Theo lý thuyết, đây là tháng các cấp chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng tiếp nhận, quản lý, giám sát trẻ em về hoạt động hè tại xã, phường và tổ chức cho trẻ em một mùa hè an toàn. Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Trong 12 thông điệp truyền thông của tháng này, có cả thông điệp về đảm bảo an toàn tính mạng và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em.

Lý thuyết và thông điệp là vậy, còn trong thực tế thì sao? Trong cuộc sống mà người lớn bị cuốn vào vòng xoáy “cơm áo gạo tiền”, thì tháng hành động vì trẻ em dường như chỉ là khẩu hiệu được hô hào một vài ngày, với một vài hoạt động chưa đủ sức thu hút và đáp ứng nhu cầu của đa số trẻ em. Thế nên, trong phần lớn thời gian ba tháng hè, không ít người lớn lại phải để cho trẻ em tự xoay sở với quãng thời gian rảnh rỗi tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Nói rộng ra, ý thức và trách nhiệm bảo vệ an toàn mọi mặt cho trẻ em cần phải trở thành thói quen hành động hàng ngày của mọi người lớn, chứ không chỉ rộ lên vào một tháng hành động nào đó, hay sau một bi kịch đau lòng nào đó.

Thùy Dương
Lan toả những hành động đẹp
Lan toả những hành động đẹp

Bất chấp ngay cả tính mạng mình để cứu mạng người, nhiều người đã lan toả hành động đẹp, cao cả và xứng đáng được xã hội tôn vinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN