Giao kèo ý thức

Hiếm khi người ta nói tới một hiệp ước vừa chính thức có hiệu lực trong tâm trạng hoang mang như khi nhắc tới Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới giữa Mỹ và Nga.

Cũng hiếm khi người ta đánh giá thành công của một hiệp ước, như START mới, thông qua ý thức của các đối tác. Không ngoa khi nhận định rằng START mới chẳng qua là sự giao kèo ý thức, bởi khi một hiệp ước có quy định cho phép hai bên được quyền rút khỏi văn kiện đó (nếu cần), có nghĩa là hiệu lực và hiệu quả của hiệp ước phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của các chủ thể.

Thế giới đã chứng kiến những bước đi chắc chắn và đầy gay cấn tại các cơ quan lập pháp của Mỹ và Nga khi soạn thảo và thông qua START mới. Chưa bao giờ chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đánh đổi sự nhượng bộ trong chính sách cắt giảm thuế để có được cái gật đầu từ Thượng viện về START mới.

Cũng chẳng từng xảy ra khi Hạ viện Nga (Duma quốc gia) phải sử dụng thủ tục bỏ phiếu ba lần đối với hiệp ước này trước khi chuyển lên Thượng viện (Hội đồng Liên bang) xem xét. Sự thận trọng đó có thể là nền tảng giúp START mới thêm bền vững, nhưng không loại trừ khả năng cho thấy đây là một giao kèo mà hai bên khó lắm mới có thể vượt qua...

Thừa nhận START mới chính thức có hiệu lực cũng đồng nghĩa với việc quan hệ Nga- Mỹ tiến thêm một bước. Tiếp tục tinh thần đàm phán từ sau Chiến tranh Lạnh, hai cường quốc này đã tiến hành nhiều cuộc thương lượng về START mới thay thế START I hết hạn năm 2009.


Sự thiếu tin tưởng và bất đồng "thâm căn cố đế" cũng được tiếp nối luôn với cản trở lớn tại các cuộc thương lượng là kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Đông Âu, một dự án khiến Mátxcơva cảm thấy bất ổn.


Bên cạnh đó còn là bất đồng về các biện pháp và thủ tục phê chuẩn. Để rồi ngay cả khi Mỹ và Nga đã cam kết vì một thế giới phi hạt nhân, người ta vẫn bảo đây chỉ là một canh bạc khi START mới không hề làm giảm khả năng hạt nhân chiến lược của cả Nga và Mỹ.

Đơn giản, vì ngay cả khi hai bên cam kết giảm số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên xuống còn 1.550 đơn vị và số phương tiện phóng các đầu đạn này (đã triển khai và chưa triển khai) xuống còn 700-800 đơn vị, kho vũ khí của họ vẫn "hoành tráng" nhất trong số các nước sở hữu hạt nhân.


Sau khi cắt giảm vũ khí, Oasinhtơn và Mátxcơva vẫn có đủ khả năng để triển khai vài trận chiến nếu chiến tranh xảy ra. Rồi START mới cũng chẳng bổ sung bất kỳ loại vũ khí chiến lược phi hạt nhân mới nào có thể được triển khai trong tương lai, và mối liên hệ giữa vũ khí phòng thủ và tấn công cũng không được quy định rõ ràng về mặt pháp lý.

Thực tế, khi cả hai bên đều thừa nhận dù có START mới hay không thì Mỹ vẫn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và Nga vẫn phản đối, tức là khoảng cách giữa hai bên vẫn còn tồn tại. Rốt cục, có hay không một thế giới phi hạt nhân, và phi hạt nhân trong bao lâu, điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của Nga và Mỹ chứ không phải một START dù đã hiện hữu.

Đỗ Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN