Vừa đi làm về, dắt xe vào trong sân, cô con gái học lớp 9 nét mặt buồn thiu chạy ra thông báo trường con lại quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19. Con lo lắng, buồn bã, chắc vì chưa được tới trường, không được gặp bạn bè, kế hoạch ôn luyện, thi tốt nghiệp cuối cấp bị ảnh hưởng và cả những dự định hè chắc cũng bị đảo lộn. Đây chắc hẳn không chỉ là tâm lý của riêng con bé nhà tôi. Nhiều học sinh và cả phụ huynh học sinh cũng âu lo, mệt mỏi với việc học và thi trong mùa dịch. Xã hội hiện đại, “nghiệp học” vốn đã gian nan, nay càng thêm chật vật vì COVID-19.
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tới nay, trên thế giới đã có 162 quốc gia/vùng lãnh thổ áp dụng chính sách đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần trường học, khiến trên 850 triệu học sinh (tương đường 1/2 số lượng học sinh-sinh viên toàn cầu) không thể đến trường và trên 200 triệu học sinh-sinh viên bị nhỡ các kỳ thi. UNESCO gọi đây là một thách thức chưa từng có trong lịch sử. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo nguy cơ "thảm họa thế hệ" vì hàng trăm ngàn trường học bị đóng cửa trên toàn thế giới vì đại dịch COVID-19.
Tại Việt Nam, hơn 1 năm qua, COVID-19 ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội, song một trong những đối tượng thiệt thòi và “đáng thương” nhất có lẽ là học sinh, sinh viên. Nếu như trước đây, các em chỉ cần toàn tâm, toàn ý lo học và thi sao cho tốt, thì nay gánh nặng tâm lý như nhân lên gấp đôi vì nỗi lo dịch bệnh. Học sinh luôn trong tâm trạng thấp thỏm, nơp nớp lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát khiến việc học, việc thi của các em bị dang dở bất kỳ lúc nào.
Đơn cử ngay ngày 7/7, địa điểm thi tại Trường THPT Lạng Giang số 3 (tỉnh Bắc Giang) đã phải dừng thi do phát hiện có thí sinh nghi mắc COVID-19. Trên phạm vi toàn quốc, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc ngày thi thứ nhất, đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (ngày 7/7/2021), tổng số thí sinh không thể dự thi vì dịch COVID-19 là 23.786 thí sinh.
Theo qui định, các em thí sinh này sẽ dự thi đợt hai cùng những thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 và thí sinh nằm trong khu bị phong tỏa đúng vào thời gian diễn ra kỳ thi đợt 1. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và kết quả bài thi của các em. Chưa kể, không may dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, các em sẽ hoàn thành kỳ thi như thế nào?
Các em còn trẻ, đang ở độ tuổi tới trường một cách thật sự, tức là các em cần giao tiếp xã hội, học tập và rèn luyện trong môi trường nhà trường có bạn-có thầy. Do đó, việc nhà trường đóng cửa là thiệt thòi rất lớn với các em. Không thể đến lớp, học sinh vẫn có thể tự học và hoàn thành giáo trình qua các giờ lên lớp trực tuyến (online). Tại nhiều nước trên thế giới, hình thức học và thi online đang được áp dụng triệt để trong mùa dịch COVID-19. Như ở Mỹ, học sinh-sinh viên các cấp đã hoàn thành chương trình học và thi trong hơn 1 năm qua gần như hoàn toàn trực tuyến.
Tuy nhiên ở Việt Nam, thực tế chứng minh học và thi trực tuyến trong mùa dịch còn rất nhiều vấn đề bất cập, cần có thời gian điều chỉnh và hoàn thiện để trở thành một phương thức giáo dục hiệu quả trong những hoàn cảnh như đại dịch COVID-19. Các con học trực tuyến mùa dịch cũng khiến phụ huynh băn khoăn lo lắng, như làm thế nào quản lý được thời gian học của con, liệu con có thực sự tập trung khi học trực tuyến hay có an toàn khi tham gia không gian mạng?
Tìm giải pháp cho việc học và thi mùa dịch, cũng đã có những tỉnh, thành phố nhanh chóng thích ứng với tình hình “bình thường mới”. Thành phố Hà Nội có lẽ là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước chấp thuận phương án tuyển thẳng vào lớp 10 THPT đối với diện thí sinh là diện F0, F1. Trong hoàn cảnh dịch bệnh quá đặc biệt và chưa từng có tiền lệ như COVID-19, việc tuyển thẳng như vậy có lẽ là quyết định “hợp lý-hợp tình”, vì nó vừa giảm áp lực cho nhà trường, vừa tạo tâm lý yên tâm cho phụ huynh và cũng để các em học sinh bớt căng thẳng khi phải đối diện trực tiếp với dịch bệnh.
Tuy nhiên, về lâu dài, cách làm này cũng nên được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, cân nhắc áp dụng, chứ không vẫn chỉ là bước đi đơn lẻ của một hay một vài địa phương. Bên cạnh đó, vài năm gần đây, cũng ngày càng có nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, quan điểm này nên được xem xét một cách nghiêm túc hơn.
Có thể nói rằng thế hệ học học-sinh viên hôm nay đang sống những ngày lịch sử, vô cùng vất vả với nghiệp con chữ. Đại dịch COVID-19 có thể sẽ kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt đời sống, xã hội. Đại dịch có thể làm gián đoạn việc các em tới trường, song chắc chắn không thể làm gián đoạn quá trình và khát khao tiếp cận tri thức, học tập và rèn luyện của các em – Những người chủ nhân tương lai của đất nước.