Những vụ việc xảy ra liên tục trong thời gian gần đây tại một số chung cư cao cấp ở Hà Nội xuất phát từ những bất hợp lý xung quanh giá dịch vụ, đã trở thành mối quan tâm của dư luận.
Tranh cãi về mức phí dịch vụ giữa các cư dân và chủ đầu tư tại chung cư Keangnam từng gây ồn ào dư luận. Ảnh Internet. |
Cách đây chưa lâu, tại chung cư cao cấp Keangnam, bất bình về phí dịch vụ phi lý của ban quản lý tòa nhà, mà hàng trăm hộ gia đình, gồm cả người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai... sống tại đây đã phải trải qua một quãng thời gian căng thẳng, khi ban quản lý tòa nhà đơn phương cắt điện, khóa thang máy - phương tiện đi lại gần như duy nhất lên các ngôi nhà bạc tỷ của tòa nhà cao nhất Việt Nam này.
Chuyện phí chung cư chẳng biết bao giờ mới có hồi kết, nếu như không có sự thống nhất quản lý loại phí dịch vụ này. Phải thừa nhận, có khá nhiều chung cư thực hiện khá tốt các khâu quản lý và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, cũng có không ít chủ đầu tư bất chấp quy định của pháp luật, biến phí dịch vụ trở thành công cụ để bòn rút cư dân, dẫn tới những xung đột quyền lợi giữa chủ đầu tư và người dân ngày một căng thẳng.
Thực tế cho thấy, sở dĩ có sự xung đột về phí chung cư, một mặt là bản thân chủ đầu tư chưa công khai minh bạch, mặt khác là người dân chưa quan tâm đến quyền lợi của mình khi mua nhà, mà cụ thể là các điều kiện ràng buộc trong hợp đồng. Không thể phủ nhận là nhu cầu về nhà chung cư hiện nay rất lớn. Ai cũng biết rằng, để cuộc sống của mình trong chung cư được tốt hơn, cần phải trả một mức phí dịch vụ nhất định. Nhưng điều làm họ bức xúc là mức phí không tương xứng với dịch vụ mà họ thụ hưởng. Bên cạnh đó, sự độc quyền trong quản lý và cung cấp dịch vụ khiến các chủ đầu tư thêm một lần được hưởng lợi: Lần thứ nhất khi bán nhà cho các hộ dân (đã thu lợi nhuận kinh doanh), lần thứ hai tiếp tục nắm quyền khai thác tòa nhà để thu lợi nhuận thông qua phí dịch vụ. Sự độc quyền cung cấp dịch vụ của các chủ đầu tư cũng có nghĩa cư dân luôn phải chịu thiệt với các phí “trên trời” do đơn vị cung cấp đưa ra. Đây chính là căn nguyên dẫn đến sự đối đầu giữa các cư dân và chủ đầu tư ở phần lớn chung cư hiện nay. Chua chát hơn, nhiều hộ sống ở các chung cư cao cấp như đang sống trong “ốc đảo”, có nguy cơ mất dần người thân, bạn bè… bởi với mức phí 60.000 đồng gửi xe máy qua đêm, 10.000 đồng cho mỗi giờ gửi ô tô (Keangnam)…, thì còn khách nào dám tới thăm.
Nhiều người dân ở nhiều chung cư cao cấp than phiền rằng, họ cảm thấy quá mệt mỏi khi những vướng mắc về phí chung cư không được giải quyết triệt để. Một cư dân ở tòa nhà Keangnam thổ lộ, trước đây họ mơ ước một ngày nào đó sẽ được sở hữu một căn hộ tại tòa nhà này. Nhưng giờ, ước mơ của họ là bán được căn hộ mà họ tích cóp cả đời để đầu tư càng sớm càng tốt, để nhanh chóng trút bỏ được nỗi uất ức canh cánh, đeo đẳng khi phải sống tại một tòa nhà được coi là hiện đại bậc nhất Việt Nam!!!” - Đúng là một giấc mơ buồn.
Hy vọng, với khung giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn thành phố (dự thảo) mà UBND thành phố Hà Nội xây dựng (đang lấy ý kiến tham khảo của các ngành chức năng và nhân dân), nút thắt về những bất hợp lý bởi phí chung cư sẽ dần được gỡ bỏ.
Yến Nhi