Chiến sự tại Libi ngày càng khốc liệt khi lực lượng chống chính phủ tại đất nước này nương nhờ vào hỏa lực từ các cuộc không kích dữ dội của phương Tây đã tái khởi động các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi.
Khi liên quân hào phóng vãi hơn 100 quả tên lửa Tomahawk giá triệu đô vào Libi thì người dân thực sự rơi vào thảm cảnh do đối mặt với cảnh mưa tên lửa trên trời và lưới đạn dưới đất.
Tuy nhiên, dường như sự hào phóng của liên quân dành cho lực lượng chống đối chưa dừng lại ở đó khi Pháp đề cập đến khả năng trang bị vũ khí cho lực lượng này. Chính phủ Mỹ còn có vẻ nhanh chân hơn khi một số nguồn thạo tin tiết lộ Tổng thống Obama vừa ký "mật lệnh" cho phép ủng hộ phe đối lập ở Libi.
Còn nhớ mục tiêu hàng đầu và quan trọng nhất trong Nghị quyết 1973 là "bảo vệ dân thường Libi" nhưng giờ đây chính dân thường đang là đối tượng bị nguy hiểm nhất khi liên quân thực hiện các biện pháp quân sự để "bảo vệ họ". Và sau khi nhiều quốc gia cảnh báo các cuộc không kích ở Libi đã vượt ra khỏi khuôn khổ của nghị quyết, khiến dân thường đối mặt với thảm họa thì Mỹ, Pháp và Anh đã nói trắng ra mục tiêu của họ là "ông Kadhafi phải ra đi". Vì mục tiêu này, một số nước tỏ ra không ngần ngại đưa thêm súng, đạn vào Libi và đương nhiên điều này có nghĩa là chiến sự kéo dài và cứ nhìn các quốc gia đang chìm trong nội chiến liên miên hiện nay, thì hậu quả ắt là người dân rơi vào thảm họa nhân đạo nghiêm trọng.
Trước nguy cơ này, nhiều quốc gia đã lên tiếng phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Italia Maurizio Massari nói trên đài phát thanh Italia: "Việc vũ trang cho lực lượng chống đối ở Libi sẽ là một biện pháp gây tranh cãi, một biện pháp cực đoan". Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, thực hiện sứ mệnh đã được HĐBA LHQ thông qua không có nghĩa là các cường quốc phương Tây có quyền vũ trang cho phe đối lập tại Libi. Tổng Thư ký NATO Fogh Rasmussen thì tuyên bố, chiến dịch tại Libi không phải để vũ trang cho lực lượng nổi dậy. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ở Bắc Kinh đã nêu rõ, "đối thoại và các biện pháp hòa bình khác là những giải pháp tối thượng cho các vấn đề ở Libi".
Vậy là đã rõ, sử dụng vũ lực không giúp giải quyết được vấn đề mà trái lại, khiến tình hình thêm phức tạp. Dư luận có lý do để lo ngại chiến sự tại Libi sẽ khốc liệt hơn, và cùng với đó là người dân sẽ rơi vào thảm cảnh tồi tệ hơn.
Cẩm Tuyến