“Danh” và “Thực

Nhân dân ta tự hào có truyền thống hiếu học với “tôn sư trọng đạo”, coi giáo dục là quốc sách. Truyền thống này góp phần tạo ra một xã hội học tập, cả xã hội trọng thị người có học… Song, nếu quan sát kĩ từ nhiều năm qua thì thấy rõ rằng, cái sự học ở ta vẫn còn nhiều điều chưa ổn.

Vừa đây, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm chuẩn vào các trường đại học, cao đẳng thì ngay lập tức không ít trường đã “tung chiêu” xét tuyển nguyện vọng để lôi cuốn các thí sinh đăng kí học. Vào năm học mới, dư luận lại “nóng” về các vấn đề tồn đọng từ nhiều năm qua như: lạm thu, đồng phục học sinh, giảm tải chương trình…

 

Đáng buồn hơn, nhiều ca tâm thần ở bệnh viện gần đây là các em thí sinh trượt đại học bị sốc tâm lý. Quan niệm cứ phải đỗ đại học mới sang, mới đẳng cấp, mới có tương lai tươi sáng đã khiến cho nhiều cha mẹ “sống chết” cũng phải lo cho con tấm bằng đại học, tạo sức ép học hành quá lớn cho con cái. Cũng chính bởi vậy, nhà nhà cho con đi thi đại học và trường đại học vì thế mọc lên như nấm sau mưa, với đủ loại ngành nghề, gây mất cân bằng giữa đào tạo ngành nghề và nhu cầu nhân lực thực tế của xã hội.


Gắn với chữ “danh” là nạn sính bằng cấp. Chưa bao giờ cụm từ “bằng cấp” lại được nhắc đến nhiều như trong thời gian qua. Cũng có ý kiến cho rằng, không nên bổ nhiệm cất nhắc người tài dựa vào bằng cấp, mà hãy nhìn vào năng lực của họ để trọng dụng. Tiếc thay, loại ý kiến này còn ít và cũng còn chưa được đa số ủng hộ nên đã không thể thay đổi nạn sính bằng cấp hiện nay.


Vấn đề đặt ra là chúng ta ngày càng có lực lượng bằng cấp rất đông, nhưng hiệu quả, chất lượng bằng cấp cũng như áp dụng công việc thực tế thì chưa hẳn đã tương xứng. Hiện nay, Việt Nam ta có tới 9.000 giáo sư, nhưng vừa qua một thông tin hết sức buồn là năm 2011 chúng ta không có một bằng sáng chế nào được đăng kí ở Mỹ… Vừa rồi thành tích (danh) của học sinh ta ở kì thi tốt nghiệp phổ thông rất cao, có nơi đạt tới 99% (phải chăng là ảo), khi nhiều thí sinh thi đại học chỉ được 0 điểm (thực). Đến năm 2020 Việt Nam sẽ đào tạo ra hơn 2 vạn tiến sĩ, trong đó chắc chắn sẽ có nhiều người tài, nhưng nếu bệnh thành tích còn, chắc cũng không ít tiến sĩ giấy? Dân ta đã từng nghe chuyện về một vài cán bộ dùng bằng tiến sĩ “dởm”, hoặc tự xưng là tiến sỹ khi chưa hề bảo vệ tấm bằng này… Điều này cảnh báo vấn nạn bằng cấp vô cùng nhức nhối.


Vậy nên, “danh” phải gắn với “thực”; giáo dục phải gắn với chất lượng và nhu cầu; bằng cấp phải gắn với năng lực; cái “tâm” phải xứng với cái “tầm”. Nếu không dễ thành “hữu danh vô thực”!

 

Ngô Đồng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN