Công tác điều tra vụ lừa đảo trực tuyến với nạn nhân là cựu Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) Nguyễn Thị Giang Hương có giúp bắt được tội phạm và lấy lại số tiền đã mất hay không, đó có lẽ không phải là vấn đề được dư luận quan tâm bằng việc bỗng nhiên “phát lộ” số tài sản lớn của bà trong vụ án. Theo xác minh ban đầu của cơ quan chức năng, nhóm lừa đảo sử dụng công nghệ cao đã lấy tiền từ tài khoản của bà Nguyễn Thị Giang Hương hơn 100 tỷ đồng.
Liên quan đến số tiền này, kết quả cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về việc xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương đầu tháng 6 vừa qua xác định: Bà Nguyễn Thị Giang Hương đã không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập qua các lần kê khai tài sản, thu nhập; quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai; không cung cấp cho Tổ xác minh tài sản, thu nhập các hồ sơ liên quan đến việc sở hữu các tài sản đã kê khai trong bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định... Vi phạm của bà Nguyễn Thị Giang Hương là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu trong xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm giảm sút uy tín của bản thân, uy tín Huyện ủy, UBND huyện Nhơn Trạch.
Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai quyết định thi hành kỷ luật bà Nguyễn Thị Giang Hương bằng hình thức cách chức Phó Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trên thực tế, thu nhập của một người có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau và không có gì đáng bàn nếu thu nhập đó là chính đáng và được giải trình rõ ràng. Nhưng ở trường hợp trên, cựu lãnh đạo huyện Nhơn Trạch đã “quên” kê khai tài sản, thu nhập; cố tình che giấu tài sản bất minh.
“Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, những gì khuất tất sẽ không thể che đậy được mãi. Một trường hợp tương tự cũng mới được ghi nhận ở Lâm Đồng: Theo kết luận của Thanh tra tỉnh, bà Chu Thị Lan Anh (Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường và Phát triển quỹ đất, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng) tự ý đổi, sửa các mục tại bản kê khai tài sản, thu nhập; kê khai không đúng, kê khai sai các nội dung liên quan đến tiền, tài sản, thu nhập và không kê khai 5 thửa đất do bà đứng tên quyền sử dụng đất; không giải trình biến động tăng, giảm về tiền, tài sản, quyền sử dụng đất. Thanh tra tỉnh kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực đối với bà Chu Thị Lan Anh theo quy định tại Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng.
Ngay tại cuộc làm việc giữa Thường trực Ban Bí thư Lương Cường với Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 13/6 vừa qua, thông tin cũng cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, kiểm tra tài chính đảng đối với 82 tổ chức đảng; giám sát chuyên đề đối với 47 tổ chức đảng và 88 đảng viên; xem xét, giải quyết tố cáo theo quy trình đối với 9 đảng viên, 1 tổ chức đảng, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với 29 đảng viên; kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập đối với 115 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Qua kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 161 tổ chức đảng và 417 đảng viên bằng các hình thức.
Như chúng tôi từng đề cập ở một bài viết khác, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2022, có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm…
Rõ ràng, kê khai tài sản không trung thực không phải là câu chuyện mới. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn xảy ra, ngay cả đối với cán bộ cấp cao, có nghĩa là công tác kê khai tài sản, thu nhập, công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn lỗ hổng; đặc biệt là sự mập mờ, gian dối đáng lên án của một số trường hợp kê khai.
Bài toán minh bạch tài sản, thu nhập không hề đơn giản vì tính chất nhạy cảm liên quan đến sở hữu cá nhân, nhưng nó sẽ được giải phần nào nếu công tác kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện nghiêm túc, tránh hình thức và nếu có sự chủ động, tích cực hơn trong kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, cần thiết mạnh tay hơn nữa trong xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, bằng cách xem xét “đóng băng” tài sản bất minh, thu nhập không giải trình được. Nếu đó là tài sản từ tham nhũng, tiêu cực mà có, thì càng phải xử lý thu hồi quyết liệt. Không chỉ kỷ luật, cách chức cán bộ vi phạm là xong.
Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, công tác kê khai tài sản, thu nhập cũng nên được kết nối dữ liệu với thông tin thu nhập của cá nhân theo mã số thuế, qua đó có thể giúp dễ dàng tra soát biến động thu nhập của các cá nhân thuộc diện kê khai.
Nhưng trên hết, việc minh bạch tài sản, thu nhập vẫn cần sự trung thực của người kê khai. Đảng ta đang chú trọng xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ về mặt đạo đức, được thấy rõ qua Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Trong đó nêu rõ yêu cầu: Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực.
Mỗi cán bộ, đảng viên trong sạch, trung thực và trọng danh dự sẽ góp phần xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” và ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ lãnh đạo đất nước.