Phiên giải trình của Bộ Xây dựng trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ngày 25/2 hết sức nóng bởi hàng loạt chất vấn của các chuyên gia và người dân về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc ban hành Thông tư 16/2010 hướng dẫn về cách tính diện tích căn hộ chung cư. Trong rất nhiều vấn đề gây tranh cãi, khiếu kiện, thì cách tính diện tích căn hộ thế nào cho đúng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Theo Thông tư 16, diện tích sàn căn hộ chung cư được xác định theo hai cách: Thứ nhất là tính kích thước thông thủy của căn hộ; thứ hai là tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ. Tuy nhiên, Thông tư 16 lại không quy định rõ trường hợp tính theo phương pháp tính tim tường bao thì có bao gồm cả khung, cột, tường chịu lực hay không?
Theo kết luận của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16 là chưa phù hợp với quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 71/2010 của Chính phủ. Theo quy định của Luật Nhà ở, thì các phần diện tích khung, cột, tường... nằm trong diện tích sở hữu chung và như vậy chủ đầu tư sẽ không được tính vào diện tích căn hộ. Còn theo Nghị định 71/2010, thì “phần diện tích thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu nhà chung cư bao gồm: không gian, hành lang, cầu thang bộ, cầu thang máy, sân thượng, khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái...”. Quy định này được hiểu là cách tính diện tích sàn căn hộ mua bán theo nguyên tắc kích thước thông thủy.
Do không quy vào một cách tính thống nhất, nên các chủ đầu tư chọn cách tính thứ hai, khiến người mua nhà không chỉ bị thiệt về diện tích, mà còn phải bỏ ra số tiền không nhỏ để nộp thuế khi làm thủ tục chứng nhận quyền sở hữu và tiền phí dịch vụ hàng tháng. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới tranh chấp lâu nay giữa chủ đầu tư và người mua nhà.
Quan điểm của giới chuyên gia cũng như một số cơ quan chức năng, Bộ Xây dựng cần phải điều chỉnh Thông tư 16 theo hướng tách bạch rõ ràng những phần diện tích chung và riêng. Tuy nhiên, bộ này vẫn một mực bảo vệ quan điểm của mình. Cụ thể, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, 2 cách tính nêu trên không làm chủ đầu tư được lợi thêm. Rồi, dù tính bằng cách nào, thì giá bán căn hộ cũng… vẫn vậy. Không những thế, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản tiếp tục có Văn bản số 124/QLN lý giải cách tính diện tích căn hộ theo tim tường là đúng và văn bản này cũng chưa tách bạch được phần diện tích chung riêng, khiến dư luận càng thêm bức xúc.
Còn theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, vì Thông tư 16 mà rất nhiều địa phương không biết phải cấp sổ đỏ thế nào cho người mua nhà chung cư, bởi 2 cách tính nêu trên không đồng nhất về số liệu.
Trở lại phiên giải trình ngày 25/2, một đại diện khách hàng mua căn hộ ở chung cư Keangnam đã chất vấn lãnh đạo Bộ Xây dựng: “Liệu có lợi nhóm” trong việc ban hành thông tư nói trên; đồng thời cho rằng, vì Thông tư 16 mà khách hàng này đã phải trả tiền oan cho hơn 30 m2 diện tích cột và hộp kỹ thuật (khoảng 1,5 tỉ đồng). Tại chung cư Keangnam, tính bình quân mỗi căn hộ bị thiệt hại khoảng 1tỷ đồng do bị “ăn gian” diện tích, thì chủ đầu tư đã “ẵm” trên dưới 900 tỷ đồng “nhờ” Thông tư 16...
Câu hỏi về trách nhiệm được đặt ra đối với Bộ Xây dựng trong việc ban hành thông tư nói trên. Hơn 3 năm kể từ khi được ban hành, Thông tư 16 đã gây ra những thiệt hại như thế nào cho người dân và ai sẽ phải chịu trách nhiệm, rất cần được cấp có thẩm quyền xem xét, làm rõ.
Yến Nhi