“Chùm khế ngọt”… vỉa hè!

Đã một thời gian dài, trật tự vỉa hè luôn là vấn đề nóng của Hà Nội. Dù các cơ quan chức năng của thành phố đã tổ chức nhiều đợt ra quân rầm rộ, tuy nhiên tình trạng lấn chiếm vỉa hè không những không giảm mà còn có chiều hướng phức tạp hơn. Vỉa hè của nhiều tuyến phố được coi là “văn minh đô thị”, “văn minh thương mại”… cũng nhan nhản mái che, mái vẩy, kinh doanh tràn lan. Vỉa hè Hà Nội bỗng chốc trở thành “chùm khế ngọt”, là bầu sữa của những chủ nhân các điểm trông giữ xe và kinh doanh buôn bán trái phép.


Câu chuyện vỉa hè ở Hà Nội từng được bàn đến rất nhiều lần, và cũng đã nhiều lần chính quyền (nhiều cấp) ra tay chấn chỉnh, rất nhiều lực lượng đứng ra quản lý..., nhưng cuối cùng cũng chỉ “đầu voi đuôi chuột”. Đơn cử như thành phố đã có quy định cấm bán hàng rong, vỉa hè ở 62 tuyến phố, nhưng kết quả không được như mong đợi. Việc cấm chỉ được một thời gian ngắn, sau đó vỉa hè ở những tuyến phố này lại bung ra như cái chợ. Vỉa hè được khai thác một cách triệt để, mọi lúc, mọi nơi, bất kể thời gian nào. Chỗ nào có thể tận dụng được, chưa ai “đóng đinh”, thì ngay lập tức có người nghĩ cách để kinh doanh. Thậm chí, người ta còn luân phiên kinh doanh vỉa hè theo giờ, theo buổi sáng, trưa, chiều, tối, đêm…, khiến cho vỉa hè lúc nào cũng đặc kín. Trên danh nghĩa có rất nhiều cơ quan quản lý, khoán quản, nhưng gần như ở tuyến phố nào của Hà Nội, vỉa hè cũng bị cắt, xẻ làm các điểm trông giữ xe, cơi nới kinh doanh buôn bán tùy tiện. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải thành phố đề xuất việc cấm kinh doanh trên vỉa hè. Đó là việc làm cần thiết để đảm bảo mỹ quan đô thị và quan trọng là để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Nhưng làm thế nào để mang lại hiệu quả, thì đó mới là vấn đề.


Những vi phạm trong quản lý vỉa hè đều rõ như ban ngày. Ấy vậy mà không hiểu sao nó cứ tồn tại dai dẳng như một sự thách thức? Rất nhiều ý kiến nhận xét, ý thức kém của nhiều người dân cộng với sự thiếu trách nhiệm, thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương, đã làm cho căn bệnh này ngày càng trầm trọng. Đơn cử, việc trông giữ phương tiện ở vỉa hè. Chỉ cần mấy cái cọc sắt đóng trên vỉa hè cùng một đoạn dây thừng chăng xung quanh, một vạch vôi trắng trên vỉa hè là có được điểm trông xe lý tưởng. Người (đơn vị) trông giữ xe không bị nhắc nhở, ngăn chặn, nên họ lấn tới và nghĩ cách làm sao chiếm được nhiều vỉa hè để thu được nhiều tiền hơn. Đã có thời điểm, không ít phường áp dụng hình thức khoán quản theo kiểu giao cho doanh nghiệp trông giữ xe, rồi yêu cầu họ tham gia vào việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. Nhưng hệ quả, họ chỉ tập trung lo thu thật nhiều tiền mà lờ đi việc nhắc nhở các hộ kinh doanh, nhà hàng, hàng rong và cũng quên luôn trách nhiệm tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Theo thống kê của Công an Hà Nội, mười quận nội thành hiện có hơn 1.000 điểm trông giữ phương tiện, nhưng chỉ có hơn 600 điểm được cấp phép, số còn lại hoạt động chui. Qua kiểm tra 270 điểm, thì có 230 điểm vi phạm. Đây cũng là nguyên nhân làm mất trật tự kỷ cương và cảnh quan đô thị, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…


Lại một lần nữa cần phải đặt ra câu hỏi về trách nhiệm, câu hỏi mà vốn lâu nay đã được mổ xẻ, truy vấn, lật đi lật lại ở rất nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nhạy cảm trong đời sống xã hội... Với quản lý trật tự vỉa hè Hà Nội thì sao? Rõ ràng, nếu cứ tiếp tục buông lỏng trách nhiệm, thì dù thành phố có đầu tư cả vài trăm tỷ đồng mỗi năm cho cải tạo vỉa hè, chỉnh trang bộ mặt đô thị, thì hiệu quả mang lại cũng bõ bèn gì. Bộ mặt đô thị Thủ đô vẫn cứ mãi nhem nhuốc, và hàng triệu mét vuông vỉa hè vẫn cứ là “chùm khế ngọt” cho nhiều người kiếm lợi bất chính.

 

Y.N

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN