Không quá lời khi nói rằng vaccine phòng COVID-19 chính là vũ khí chiến lược, là chìa khóa giúp Việt Nam khắc chế đại dịch. Tới giữa tháng 3, nền kinh tế đất nước đang phục hồi ấn tượng, chúng ta hoàn toàn mở lại du lịch quốc tế, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật…
Và nay, Việt Nam lại tiến thêm một bước dài nữa trên con đường đưa cuộc sống nhanh chóng trở lại bình thường. Đó chính là việc khởi động chương trình tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Sáng 14/4, tỉnh Quảng Ninh mở màn đầu tiên, rồi lần lượt tới Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một loạt tỉnh thành… lần lượt triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.
Cha mẹ nào cũng thương con. Do vậy, tâm lý ngần ngại của không ít phụ huynh khi cho con tiêm vaccine COVID-19 cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trẻ em cần được quyền hưởng những thành quả của khoa học tiên tiến, các ông bố, bà mẹ nên cho con mình cơ hội phòng, chống dịch bệnh bình đẳng như người lớn, để nếu có mắc thì cũng không chuyển nặng và không đối mặt với nguy cơ tử vong. Hơn nữa, ngành y tế và các địa phương đã có quá trình chuẩn bị cẩn thận, khoa học với phương châm sức khỏe và an toàn của các em là trên hết.
Để được bảo vệ đầy đủ, trẻ em cần được tiêm theo đúng lịch và đủ liều tất cả các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Lịch tiêm chủng quốc gia được xây dựng nhằm bảo vệ trẻ em, người dân và cộng đồng trước đại dịch COVID-19. Việc tiêm chủng được thực hiện từ nhóm trẻ em ở độ tuổi lớn đến bé, từ dưới 12 tuổi (lớp 6) trước, sau đó hạ thấp dần. Ngành y tế đã tiến hành tập huấn an toàn tiêm chủng cho trẻ ở độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng. Trẻ được tiêm hai mũi vaccine cùng loại, không tiêm trộn. Hai loại vaccine được sử dụng tiêm cho trẻ độ tuổi này là của Pfizer (cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi) và Moderna (cho trẻ 6 đến dưới 12 tuổi); 2 mũi tiêm cách nhau 4 tuần.
Sau một tuần triển khai chương trình, cả nước chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp trẻ phản ứng hay tai biến sau tiêm nào, qua đó xóa tan tâm lý lo ngại trong dư luận, đồng thời một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của chiến lược vaccine toàn dân.
Nhìn rộng ra thế giới, có thể thấy rằng việc tiêm vaccine và đặc biệt là tiêm vaccine cho trẻ em độ tuổi dưới 12 cũng là bước đi mang tính quyết định giúp các nước khắc chế đại dịch COVID-19. Theo GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hiện có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12. Mỹ, một thời gian dài là tâm dịch thế giới và là nước bị COVID-19 càn quét nghiêm trọng nhất, đã triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi từ tháng 11/2021. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tính đến cuối tháng 3, hơn 34,2% trẻ trong nhóm tuổi này được tiêm ít nhất một liều vaccine; Khoảng 24,8% trẻ 5-11 tuổi được tiêm đủ hai liều.
Giới chức Mỹ gần như không nhận được báo cáo về tác dụng phụ hiếm gặp. Các phản ứng sau tiêm đối với trẻ em nhìn chung nhẹ nhàng, lành tính. Trẻ tiêm vaccine được theo dõi tác dụng phụ trong tối thiểu 2 tháng sau mũi thứ hai và kết quả cho thấy đa số tác dụng phụ đều ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Cùng với chương trình tiêm chủng diện rộng cho người trưởng thành, thành công của chiến dịch tiêm vaccine trẻ em đang giúp nước Mỹ gần như hoàn toàn trở lại nhịp sống bình thường, với số ca mắc mới rất thấp hiện nay.
Canada, Singapore và các nước châu Âu cũng đang triển khai rất khẩn trương và hiệu quả chương trình tiêm vaccine COVID-19 trẻ em. Ngày 25/11/2021, Cơ quan Quản lý Dược châu Âu (EMA) phê chuẩn tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho trẻ từ 5 tới 11 tuổi. Từ đó tới nay, hàng chục triệu học sinh tiểu học ở châu Âu đã được tiêm chủng. Bước sang năm 2022, trước sự trỗi dậy của biến chủng Omicron, hàng loạt quốc gia châu Âu đã quyết định đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho trẻ.
Việt Nam thuộc nhóm đạt độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, các biện pháp y tế được coi trọng, không ngừng hoàn thiện, nhờ đó số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong ngày càng giảm sâu. Đặc biệt, chủ trương đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trực tiếp bảo vệ sức khoẻ các em trong tình hình dịch COVID-19, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hoàn thành các mục tiêu xã hội khác, giảm nguy cơ lây truyền giữa các thế hệ trong gia đình và giữa giáo viên với học sinh tại trường học, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Với chiến lược phòng chống COVID-19 hiệu quả và linh hoạt, với thành công bước đầu đã được khẳng định của chiến lược tiêm chủng quốc gia, chúng ta hy vọng ngày Việt Nam khắc chế đại dịch sẽ không còn xa.