Cần lắm sự trung thực

Khi cả nước một lần nữa phải căng mình ứng phó với đợt dịch COVID-19 mới có tốc độ lây lan nhanh và khó lường, vẫn có không ít người thiếu ý thức, tìm mọi cách trốn tránh cách ly hoặc khai báo y tế không trung thực, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát dịch và đe dọa phát tán virus trong cộng đồng.

Có thể nói đợt dịch bùng phát ngay vào thời điểm diễn ra Đại hội XIII của Đảng và cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã cho thấy virus SARS-CoV-2 vẫn luôn rình rập gõ cửa khắp nơi, chỉ một thoáng lơ là có thể làm tiêu tan mọi thành quả chống dịch. Tính đến chiều 23/2, đợt dịch mới (từ ngày 27/1) đã ghi nhận 809 ca nhiễm tại 13 tỉnh, thành phố, trong đó tâm dịch là Hải Dương với 625 ca nhiễm. Từ 0h ngày 16/2, toàn tỉnh Hải Dương đã thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với Hải Dương, các địa phương vùng dịch khác đều đang cấp bách thực hiện nghiêm những biện pháp phòng, chống dịch nhằm sớm truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm các nhóm “F” với tinh thần thần tốc dập dịch. Đến thời điểm hiện tại đã có thể khẳng định hiệu quả bước đầu của những nỗ lực này, khi nhiều điểm cách ly, phong tỏa trên cả nước đang dần được dỡ bỏ và phần lớn học sinh đã trở lại trường sau cái “Tết COVID” dài ngày… Dự kiến vào cuối tháng 2 này, những liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên cũng sẽ về đến Việt Nam, tiếp thêm niềm tin để chúng ta thắng đại dịch một lần nữa.

Tuy vậy, bên cạnh sự chung sức của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân để kiên trì mục tiêu kép, nhiều hành vi vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 vẫn được ghi nhận mỗi ngày, trong đó đáng lên án là hành vi gian dối trong khai báo y tế, gây khó khăn cho việc truy vết dịch bệnh và khiến nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng ngày càng cao.

Ngày 22/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hải Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”, xảy ra tại số 15 Trần Sùng Dĩnh, khu 14, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương. Trong vụ án này, bà T (được xác định mắc COVID-19 vào ngày 15/2) đã không khai báo về việc trước đó đã đến Hội người mù thành phố Hải Dương và tiếp xúc trực tiếp với một bệnh nhân COVID-19. Chỉ đến khi Công an thu thập dữ liệu cuộc điện thoại của bà T với bệnh nhân kia, thì bà T mới chịu “đầu hàng”. Dù vậy, đến thời điểm nhận tội, bà T đã khiến 3 người trong gia đình mình bị mắc COVID-19, đồng thời làm khu vực cư trú của những người nói trên bị phong tỏa, cách ly gây thiệt hại đến kinh tế của địa phương.

Trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều trường hợp khác đã cố tình không khai báo về từ vùng dịch để trốn tránh cách ly. Như vụ việc một gia đình trú tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang (Hải Dương) về quê ở Ninh Bình ăn Tết nhưng do lo sợ phải cách ly tập trung nên đã đến trạm y tế xã khai báo là trở về từ tỉnh Thái Bình. Tương tự, hai công nhân làm việc tại huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), khi trở về quê ăn Tết ở Lai Châu lại khai báo là làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.

Mới đây, UBND thành phố Hải Phòng cũng đã yêu cầu xử lý vi phạm hành chính và xử lý kỷ luật ở mức cao nhất đối với một nữ giáo viên của Trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân). Mặc dù không được nhà trường đồng ý nhưng nữ giáo viên này vẫn về quê ở Hải Dương ăn Tết. Đến khi quay trở về nhà riêng ở Hải Phòng, người này lại khai báo lòng vòng là đã đến Khu đô thị Đặng Xá, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội) và về ngay trong ngày.

Tương tự như vậy, hai giáo viên từ huyện Bình Giang (Hải Dương) do lo sợ phải cách ly y tế dài ngày khi về quê ăn Tết ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) nên họ không khai báo đã đi qua vùng dịch. Hai trường hợp này đều đã bị xử phạt 10 triệu đồng/người do cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về dịch bệnh và buộc thực hiện cách ly y tế theo quy định.

Càng đáng kinh ngạc hơn khi “có tình trạng một số công dân không đi từ Hải Dương về Hà Nội nhưng muốn được xét nghiệm nên đã khai là có đi qua Hải Dương”, như thông tin từ Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) mới đây. Trong khi nhiều doanh nghiệp, người lao động vẫn tiếp tục lao đao vì dịch bệnh và Chính phủ cũng đang phải xoay xở các phương án bổ sung hỗ trợ, thì hành vi tranh thủ trục lợi như vậy thật đáng xấu hổ, dù cho đó chỉ là một số “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi. Và tại sao lại có thể có hành động như vậy khi các y, bác sĩ ở tuyến đầu đã quá đủ mệt mỏi?

Trung thực là một đức tính quý báu của con người. Trung thực là luôn nói ra sự thật, luôn ngay thẳng, không thêm mắm dặm muối, không làm sai lệch những sự việc đã xảy ra. Ngược lại, sự gian dối, lươn lẹo luôn là hành vi đáng lên án. Lại càng đáng lên án hơn nếu hành vi gian dối đến từ những người “có hiểu biết” và hành vi đó gây nguy hiểm đến cộng đồng.

Cuộc chiến với dịch COVID-19 và những biến thể mới xuất hiện được dự báo còn nhiều khốc liệt trên bình diện toàn cầu và tác động không nhỏ tới Việt Nam. Mỗi hành động tích cực vì cộng đồng lúc này, dù nhỏ, đều rất đáng trân trọng và cần được tiếp tục lan tỏa. Còn nếu chưa thể ghé vai vào thì cũng đừng nên hành động một cách thiếu ý thức, hẹp hòi, vì chính sự gian dối thiển cận đó có thể đẩy mọi nỗ lực của cả đất nước xuống sông xuống biển.

Trung Sơn
Người dân khai báo y tế bằng QR CODE như thế nào?
Người dân khai báo y tế bằng QR CODE như thế nào?

Bạn đọc hỏi: Tôi từ tỉnh miền Trung trở về Hà Nội, để khai báo y tế bằng bằng QR CODE cho nhanh gọn, tôi phải thực hiện như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN