Những nỗ lực và thành tựu về thúc đẩy, bảo đảm quyền con người của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, rõ ràng nhất là việc các thành viên Liên hợp quốc hai lần tín nhiệm bầu Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014 - 2016 và nhiệm kỳ 2023 – 2025). Tuy nhiên, bất chấp những thành tựu “không thể phủ nhận” ấy, thế lực thù địch, phản động vẫn lặp lại những luận điệu xuyên tạc cũ rích, lạc lõng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Thế lực thù địch, phản động này gồm các nhóm phản động người Việt Nam ở nước ngoài và những cá nhân người Việt ở trong nước suy thoái về tư tưởng, chính trị, bị mua chuộc... Đứng đằng sau chúng là lực lượng cực hữu nước ngoài, một số tổ chức phi chính phủ “khoác áo nhân quyền” như Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), Tổ chức Ngôi nhà tự do (FH)… và một số nghị sĩ cực đoan ở phương Tây.
Thế lực thù địch, phản động dựng lên cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “dân oan”, “nhà hoạt động dân chủ”… để biến những kẻ vi phạm pháp luật thành những “chiến sỹ yêu nước”. Thông qua trò hề đánh tráo khái niệm này, một mặt nhằm đánh lừa dư luận, mặt khác là để dễ bề tiến hành các chiến dịch quyên góp mà cuối cùng thì tiền thu được chủ yếu rơi vào túi những kẻ đi vận động trái phép và các hội nhóm, tổ chức phản động với những cái tên rất kêu mang tinh thần “dân tộc”. “đổi mới” như “Hội Phụ nữ nhân quyền”, “Nhóm Công dân tự do”, “Nhóm Tuổi trẻ yêu nước”, Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (Việt Tân) ... Ví dụ, nhiều năm qua, Việt Tân đứng ra quyên góp tiền ở trong và ngoài nước ủng hộ để trao “Giải thưởng Tinh thần Trần Văn Bá” cho các “tù nhân lương tâm” và “nhà hoạt động dân chủ”. Việt Tân thu được hàng trăm triệu đồng và hàng ngàn USD, nhưng số người được Việt Tân trao tiền chỉ đếm trên đầu ngón tay với giải thưởng cao nhất cũng chỉ vài trăm USD. Vậy số tiền quyên góp ở trong và ngoài nước đi đâu?
Không chỉ dừng lại ở việc dựng lên “ngọn cờ”, thế lực thù địch, phản động còn mưu đồ “chuyển lửa về quê hương”. Chúng sử dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, khoét sâu vào những thiếu sót trong quản lý, điều hành, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để lôi kéo, kích động nhân dân vào các hoạt động biểu tình, phá rối an ninh, trật tự, gây bạo loạn nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội và an ninh, trật tự ở Việt Nam, làm mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Khi bị bắt do tham gia tấn công trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk sáng 11/6/2023, đối tượng Y Chanh Niê (ngụ huyện Krông Búk) khai nhận “làm theo hành vi của mấy ông dụ dỗ, cầm đầu. Hứa hẹn cho mình có cuộc sống ấm no và giàu sang". Chưa thấy“cuộc sống ấm no và giàu sang” đâu, nhưng sự nhẹ dạ, cả tin, lòng tham và sự thiếu hiểu biết đã khiến Y Chanh Niê phải nhận án tù chung thân về tội "khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân". Còn đồng bào Tây Nguyên, như cố bác sĩ Y Ngông Niê Kdăm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội từng nói, vẫn một lòng đi theo cách mạng mà “không có sức mạnh nào cản nổi” và “núi rừng Tây Nguyên luôn thương nhớ, mãi mãi đi theo Bác Hồ”.
Một âm mưu khác của các thế lực thù địch, phản động khi vu cáo Việt Nam vi phạm quyền cơ bản của con người, chèn ép cái gọi là “những người bất đồng chính kiến”… là muốn sử dụng dân chủ, nhân quyền làm điều kiện mặc cả. Nhiều năm nay, cứ mỗi dịp tháng 5 (gần nhất là ngày 11/5/2023), Hạ nghị sỹ Mỹ, ông Chris Smith lại “cố đấm ăn xôi” giới thiệu cái gọi là “Đạo luật Nhân quyền Việt Nam” nhằm buộc Bộ Ngoại giao nước này phải đặt vấn đề nhân quyền trong mối quan hệ với các cuộc đàm phán, thương lượng cùng Việt Nam. Đây rõ ràng là sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam, không chỉ đi ngược lại xu thế phát triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, mà còn đi ngược lại nguyên tắc tôn trọng quyền dân tộc tự quyết trong quan hệ quốc tế đương đại được Hiến chương Liên hợp quốc ghi nhận. Hệ quả tất yếu là “Đạo luật Nhân quyền Việt Nam” chưa bao giờ được Lưỡng viện trong Quốc hội Mỹ thông qua để Tổng thống ký ban hành thành luật.
Ngoài ra, thế lực thù địch, phản động còn nhân việc Liên minh châu Âu (EU) và một số nước phương Tây thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên... với nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam để “gắp lửa bỏ tay người”, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo nhằm làm cho cộng đồng quốc tế hiểu không đúng tình hình trong nước. Tuy nhiên, việc Việt Nam hai lần được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu ủng hộ rất cao, theo ông Gérard Daviot, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt (AAFV), là kết quả của “cả một chặng đường đã được Việt Nam vạch ra và thực hiện thành công”, là “một sự công nhận của toàn thế giới”. “Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia được thế giới vinh danh về nhân quyền”, ông Daviot nhấn mạnh.
Tôn trọng và bảo đảm nhân quyền là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, nhưng Việt Nam vẫn luôn cầu thị. Trong nhiều báo cáo chính thức trước cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã thẳng thắn đề cập tới những khó khăn gặp phải trong công tác nhân quyền, từ đó đề ra giải pháp để cải thiện. Với nỗ lực ấy, chúng ta tin rằng cách tiếp cận lấy “con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển” của Việt Nam tiếp tục gặp hái được những thành tựu mới và những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động chắc chắn sẽ thất bại.