Bất cập cải cách hành chính

Tại cuộc giao ban của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội mới đây về các công việc liên quan đến cải cách hành chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị dẫn một sự việc không thể không suy ngẫm: Một bức thư đi từ Văn phòng UBND thành phố Hà Nội và Sở Ngoại vụ khi đến tay ông chậm mất 30 ngày. Ông Nghị cho rằng, cung cách làm việc như vậy là không thể chấp nhận và đây chính là một trong những rào cản của sự phát triển.


Cải cách hành chính đang là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của doanh nghiệp, người dân. Khách quan mà nói, cải cách hành chính của Hà Nội đã có những chuyển biến đáng kể trên một số lĩnh vực, người dân đã có nhận xét tích cực hơn về nếp làm việc, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ, thái độ, tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, kết quả của công tác này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Theo đánh giá của lãnh đạo thành phố, lực cản nằm ở cơ chế, quy chế, chính sách… lạc hậu, chậm sửa đổi hoặc đã chỉnh sửa nhưng không quyết liệt. Doanh nghiệp, người dân vẫn chưa thật hài lòng với thái độ phục vụ của một bộ phận công chức, sự phối hợp giữa các sở, ngành trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh; hứa hẹn nhưng không giải quyết hoặc giải quyết không triệt để...


Kết quả đợt điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Thành ủy vào tháng 2/2013 cho thấy, 93% số phiếu đánh giá công chức của thành phố nắm vững quy trình nghiệp vụ, trình độ nhận thức khá nhưng số phiếu đánh giá tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình trong giải quyết công việc lại chỉ có 52,4%. Về tính quyết liệt cải cách hành chính tại 5 sở (Kế hoạch & Đầu tư, Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên & Môi trường), đơn vị được đánh giá cao nhất chỉ đạt 28%; mức độ hài lòng của cán bộ công chức cấp quận, huyện, doanh nghiệp đối với thái độ thực thi công vụ của công chức tại 5 sở, ngành nói trên nơi cao nhất chỉ đạt 26,2%. Việc tổ chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa”, “một cửa liên thông" ở một số địa phương, một số đơn vị của thành phố chưa được thực hiện nghiêm túc. Một số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính sai hẹn, chủ yếu là các thủ tục liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, xây dựng; tài nguyên và môi trường; lao động - thương binh và xã hội.


Một trong những tồn tại trong cải cách hành chính được chỉ ra là do tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, thậm chí nhũng nhiễu, tiêu cực, thiếu trách nhiệm và vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân. Thực tế cho thấy, ở những địa phương, đơn vị, cán bộ được lựa chọn kỹ, được tạo điều kiện làm việc và dĩ nhiên được giám sát chặt chẽ, thì nơi đó công việc trôi chảy, được lòng dân. Ngược lại, ở những nơi cán bộ lơ là trách nhiệm, thiếu sự công tâm, thì ở đó để lại điều tiếng, gây mất lòng tin với dân, thậm chí gây cản trở cho quá trình cải cách hành chính...


Thể hiện quyết tâm tạo bước chuyển mạnh mẽ cho công tác này, Hà Nội chọn năm 2013 là Năm kỷ cương hành chính. Chính vì vậy mà lãnh đạo thành phố rất đôn đáo với công tác này. Cùng với việc đánh giá lại quy trình “một cửa", "một cửa liên thông" (được xác định mang tính đột phá trong cải cách hành chính), UBND thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra công vụ, thực hiện kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy chế làm việc ở những cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc... Không thể phủ nhận, còn rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các công việc liên quan đến thủ tục hành chính như khối lượng công việc nhiều, cơ chế chính sách có nhiều thay đổi và còn bất hợp lý, thu nhập của cán bộ công chức còn thấp..., nhưng không vì thế mà đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan.


Do vậy, muốn đạt được kết quả như mong đợi, mấu chốt của vấn đề là cần phải cải cách ý thức, tinh thần phục vụ của mỗi người trong bộ máy hành chính.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN