Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 7 giờ ngày 8/9, bão số 3 đã làm 5 người chết (trong đó Quảng Ninh 3, Hải Phòng 1, Hải Dương 1), 186 người bị thương (Quảng Ninh 157, Hải Phòng 13, Hải Dương 5, Hà Nội 10); 25 tàu xi măng và gỗ bị chìm tại nơi neo đậu. Đồng thời, tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.
Bão số 3 đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gây đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều cột viễn thông bị gẫy đổ; cây xanh bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương...
Về nông nghiệp, hiện có 121.500 ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại (Thái Bình 76.345 ha, Hải Phòng 6.750 ha, Hải Dương 11.200 ha, Hà Nội 6.218 ha, Nam Định 2.800 ha, Hưng Yên 11.923 ha, Hà Nam 7.418 ha, Bắc Ninh 8.977 ha...); 5.027 ha cây ăn quả bị hư hại (Hải Phòng 1.000 ha, Thái Bình 1.385 ha, Hưng Yên 1.818 ha...); trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh bị hư hỏng, cuốn trôi…
Thời điểm này, tại các tỉnh, thành phố nơi bão số 3 đi qua, các cấp chính quyền, các lực lượng và người dân đang tiếp tục gồng mình để khắc phục hậu quả.
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 26 tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Thanh Hóa trở ra) diễn ra sáng 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan và những thảm họa khủng khiếp từ bão lũ đang là sự cảnh báo đối với con người nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Bão số 3 để lại những hậu quả rất nghiêm trọng, nhưng sẽ nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần nếu chúng ta không chủ động ứng phó sớm, triển khai quyết liệt các phương án phòng chống. Đã có những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra trong công tác phòng, chống bão số 3 nhằm làm giảm thiệt hại, đó là các cấp chính quyền, địa phương, các bộ, ngành, các lực lượng… đã quán triệt sâu sắc phương châm 4 tại chỗ; thực hiện hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo, thông tin, tuyên truyền; công tác chỉ đạo, tổ chức ứng trực phòng, chống, khắc phục thiệt hại kịp thời, quyết liệt…
Phải khẳng định, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện “4 tại chỗ”, sự chủ động ứng phó cùng sự nỗ lực từng ngày, từng giờ của các cấp chính quyền các tỉnh miền Bắc nơi bão số 3 đi qua đã góp phần làm giảm đáng kể thiệt hại, giúp người dân vùng chịu ảnh hưởng từng bước vượt qua khó khăn, sớm ổn định đời sống. Đã có những điểm sáng trong thực hiện “4 tại chỗ” khi bão đổ bộ ở các tỉnh miền Bắc trong những ngày qua.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả trước diễn biến phức tạp, khó lường của bão số 3, cùng với tinh thần chủ động ứng phó, dựa vào sức dân, phương châm “4 tại chỗ” đã được các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và nhiều tỉnh khu vực phía Bắc thực hiện hiệu quả, đó là: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đặc biệt, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng đã sẵn sàng các phương án ứng phó khi có tình huống, bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ, triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, cứu hộ, bảo đảm an toàn tính mạng cũng như tài sản của nhân dân và nhà nước.
Các ngành, địa phương, đơn vị tại các địa phương bão đi qua không để bị động, ngay từ sớm đã triển khai các đội xung kích phòng, chống thiên tai ở các địa bàn trọng điểm với lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ làm nòng cốt để chủ động ứng phó. Tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ, đập, nhất là các hồ, đập xung yếu, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống. Chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là các tuyến đường trọng điểm, khu vực nguy hiểm; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt… Nhờ thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống bão số 3, mức độ thiệt hại về người và tài sản đã giảm.
Kết quả từ việc triển khai thực hiện “4 tại chỗ” trong ứng phó với bão số 3 đã cho thấy, dù đầu tư nguồn lực lớn đến đâu, nhưng nếu coi nhẹ phương châm “4 tại chỗ” cũng như không có các giải pháp căn cơ, thì thiệt hại do bão sẽ thật khó lường.
Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dẫn nghiên cứu của Quỹ châu Á cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong 10 quốc gia trên thế giới sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề do hậu quả từ biến đổi khí hậu và tổn thất do thiên tai gây ra có thể lên đến từ 3% đến 5% GDP vào năm 2030. Do vậy, giải pháp để ngăn chặn và giảm nhẹ thiệt hại từ thiên tai cần quan tâm đến công tác bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn; xây hồ điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét; khai thông các đường thoát lũ với việc điều tra, lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét; quy hoạch bố trí dân cư hợp lý, xây dựng chương trình tổng thể phòng chống bão lũ một cách đồng bộ... Bên cạnh đó, phải tạo được ý thức bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, tinh thần chủ động phòng chống thiên tai của nhiều cấp, ngành, chính quyền các địa phương, người dân ở các địa bàn thường xảy ra mưa lũ.
Sự cảnh báo đó là không thừa nếu như trong tiềm thức nhiều người vẫn tồn tại suy nghĩ “nắng mưa là chuyện của trời", nếu đâu đó, các cấp chính quyền, ngành, địa phương cũng như người dân chưa thực sự quyết liệt, chủ động trong phòng chống, ngăn ngừa, chờ “nước tới chân mới nhảy”. Thiên tai, bão lũ không trừ một quốc gia nào và hậu quả của nó sẽ thật khủng khiếp nếu công tác phòng chống bị lơ là, không có sự đồng thuận, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, lãnh đạo.
Con người không thể loại trừ được thiên tai, nhưng con người có thể tìm cách hạn chế và đưa ra các biện pháp thích ứng nhằm giảm nhẹ thiệt hại từ thiên tai. Điều đó đòi hỏi, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm trong phòng chống thiên tai phải luôn là nhiệm vụ thường trực đối với các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân.