Một năm sau khi bắt tay nhau lên nắm quyền, “tuần trăng mật” của liên minh cầm quyền Bảo thủ - Dân chủ Tự do tại Anh đã nhanh chóng trở thành dĩ vãng. Nhưng đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ Tự do vẫn phải bất đắc dĩ duy trì cuộc “hôn nhân” cùng những mâu thuẫn ngấm ngầm vì lợi ích riêng của mình.
Sau cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, đảng Bảo thủ trung hữu trở thành chính đảng lớn nhất trong Quốc hội song không giành được thế đa số tuyệt đối để đứng ra thành lập chính phủ. Thủ tướng Công đảng khi đó là ông Gordon Brown buộc phải từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ liên hiệp giữa Bảo thủ và Dân chủ Tự do đầu tiên tại xứ sở sương mù trong hơn 7 thập kỷ qua. Vậy là, sau nhiều năm núp bóng "hai ông lớn", đảng Dân chủ Tự do đã có chân trong liên minh cầm quyền, chấm dứt mô hình lưỡng đảng: Công đảng và đảng Bảo thủ thay nhau nắm quyền ở Anh.
Một năm sau, cục diện cuộc chơi đã thay đổi. Cam kết xây dựng một chính phủ vững mạnh và ổn định, song những gì mà chính phủ liên minh làm được lại quá ít ỏi. Tình hình kinh tế trong nước không được cải thiện. Người dân bất bình với những biện pháp thắt lưng buộc bụng. Uy tín của chính phủ giảm sút, đặc biệt là của đảng Dân chủ Tự do. Bất đồng về cơ chế bầu cử, mất ghế tại các hội đồng địa phương, vị thế của “ông bé” Dân chủ Tự do càng trở nên khiêm tốn và liên minh cầm quyền rạn nứt là điều khó tránh. Kịch bản chính đảng này rút khỏi chính phủ liên hiệp đã được tính đến.
Song cả Bảo thủ và Dân chủ Tự do đều hiểu rằng chẳng dại gì chia tách vào thời điểm này. Đơn giản vì chia tách đồng nghĩa với sự suy yếu của mỗi bên, vô hình trung tạo thuận lợi cho Công đảng. Bản thân Bảo thủ và Dân chủ Tự do đều chưa đủ mạnh để có thể giành đa số tối thiểu tại Quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử sớm (nếu diễn ra) và đối thủ sẽ có cơ lật ngược thế cờ. Vì thế, Bảo thủ và Dân chủ Tự do buộc phải chấp nhận chung sống “bằng mặt, không bằng lòng”.
Phương Hồ