Vụ ngộ độc thực phẩm mới đây nhất xảy ra tại trường Tiểu học - THCS - THPT iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) khiến một học sinh tử vong và trên 600 em khác phải nhập viện điều trị đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý an toàn của các bếp ăn trong trường học hiện nay. Bởi, với bất kỳ vụ ngộ độc thực phẩm nào mang tính chất tập thể thì hậu quả của nó đều nghiêm trọng.
Tìm hiểu cho thấy, để cung cấp suất ăn cho học sinh, các trường có thể tự tổ chức nấu ăn cho các em hoặc ký hợp đồng một đơn vị bên ngoài để cung cấp. Tuy nhiên, để có thể kiểm soát quy trình an toàn, đa phần các trường sẽ tổ chức bếp ăn và lựa chọn ký hợp đồng với đơn vị uy tín, có đầy đủ hồ sơ pháp lý để cung cấp suất ăn cho học sinh và nấu tại bếp của trường.
Việc thực hiện suất ăn phải đảm bảo tuân thủ nhiều quy định của ngành y tế như: người trực tiếp chế biến thực phẩm phải cắt móng tay ngắn, sạch sẽ, không đeo trang sức khi chế biến; cấm hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực chế biến thực phẩm. Nhân viên bảo mẫu, cấp dưỡng phục vụ trong trường học được kiểm tra sức khoẻ 6 tháng/lần, tham gia tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm… Các bếp ăn này còn phải thực hiện triệt để quy trình, kỹ thuật và nội dung kiểm thực 3 bước: Kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào; kiểm tra thực phẩm trước, trong, sau khi chế biến và lưu mẫu.
Mặc dù quy định nghiêm ngặt là thế, nhưng nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học vẫn xảy ra bởi không ít đơn vị, trường học vẫn làm bừa, làm ẩu, thiếu khâu thanh, kiểm tra hoặc kiểm tra sơ sài do tin tưởng vào đội ngũ chịu trách nhiệm thực hiện. Việc thiếu kiểm tra thường xuyên khiến xảy ra tình trạng lơ là, lỏng lẻo trong tuân thủ các quy trình. Đáng lo ngại nhất là nếu đơn vị cung cấp suất ăn hoặc trường học vì mục tiêu lợi nhuận, sẽ dẫn đến tình trạng đưa các thực phẩm không an toàn, không đảm bảo chất lượng vào bếp ăn. Điều này sẽ làm giảm chất lượng bữa ăn và tăng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ.
Bữa ăn tại trường học là bữa ăn cần phải được chú trọng và thực hiện theo thứ tự: an toàn thực phẩm - dinh dưỡng - ngon miệng. Do vậy, để bảo đảm an toàn tại các bếp ăn trường học, còn phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Theo đó, người đứng đầu phải luôn kiểm tra sát sao các hoạt động của bếp ăn mỗi ngày. Nhà trường cần hợp đồng với các nhà cung cấp và nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, bảo đảm nguồn gốc và chất lượng. Hằng ngày, nhà trường phải phân công cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên kết hợp Ban đại diện cha mẹ học sinh kiểm tra nguồn thực phẩm đầu vào và thức ăn sau khi chế biến; đồng thời kiểm tra khâu phân chia suất ăn và kiểm tra giờ ăn của học sinh... Bên cạnh đó, nhà trường phải có tổ giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra bếp ăn, nhà ăn và cả quá trình cung cấp, chế biến, lưu trữ thực phẩm; kiên quyết đình chỉ, chấm dứt hợp đồng với các cơ sở vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, cái thiếu nhất hiện nay của hầu hết các trường học ở Việt Nam là không có nhân sự chuyên trách an toàn trường học mà chỉ có sự quản lý chung của hiệu trưởng. Điều này dẫn đến việc thực hiện công việc không có chuyên môn sâu; đồng thời việc kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong nhà trường chưa được bài bản và nghiêm ngặt.
Hơn hết, việc cung cấp suất ăn cho học sinh phải vì “cái tâm” chứ không phải vì lợi nhuận. Nhà trường có thể thu phí cao hơn, nhưng cần phải minh bạch với cha mẹ học sinh về suất ăn hàng ngày của các em, cũng như minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu đầu vào; phải đáp ứng được tiêu chí sạch và an toàn về hóa chất.
Bên cạnh sự quản lý của nhà trường, điều quan trọng không kém là cơ quan chức năng quản lý (ngành y tế, ngành giáo dục…) phải xây dựng bộ phận, quy trình giám sát chất lượng tại bếp ăn của các trường chứ không nên để mặc nhiên cho nhà trường tự đạo diễn, tự chịu trách nhiệm. Việc thường xuyên kiểm tra sẽ giúp các trường luôn có ý thức, từ đó giảm tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong trường học.
Cuối cùng, muốn dứt điểm, phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật đối với đơn vị nào vi phạm về an toàn thực phẩm; đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể giám sát và phòng tránh.