Xây dựng Phần mềm bản đồ di tích lịch sử giúp học sinh hiểu hơn về đất nước

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ GD - ĐTvừa giao dự án phát triển giáo dục THCS II phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thiết kế phần mềm bản đồ di tích lịch sử cấp quốc gia.

Với bản đồ này, học sinh sẽ được biết cụ thể thông tin về di tích như tên di tích, loại công trình, loại di tích, thời điểm được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, địa chỉ di tích. Đặc biệt, ngoài hình ảnh về di tích, học sinh sẽ được xem cả những hình ảnh học sinh các trường đang chăm sóc di tích.

Khá nhiều học sinh đã biết về chương trình này và rất háo hức chờ tới ngày phần mềm bản đồ hoàn thiện. Bạn Hồng Nhung (học sinh trường THCS Đống Đa - Hà Nội) cho biết, em đã được biết thông tin về phần mềm bản đồ di tích lịch sử và đang hồi hộp chờ tới ngày được sử dụng phần mềm này. Em đã tự tìm kiếm thông tin về các di tích lịch sử quanh khu vực mình ở và biết một số di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, với các khu vực ở xa nhà thì em không có điều kiện tìm hiểu và đang mong đợi để được tra cứu thông tin trên phần mềm bản đồ.

Quang Tùng (học sinh trường THCS Nguyễn Du - Hà Nội) thì cho biết, em là người rất yêu thích môn lịch sử, nhưng do nhà không có điều kiện đi nhiều nên em thường tìm kiếm thông tin trên Internet. Tuy nhiên, thông tin về các di tích lịch sử cấp quốc gia hiện nay rất rời rạc, chỉ có thông tin từng di tích mà không có một thống kê đầy đủ trong cả nước. Em hy vọng, sau khi phần mềm bản đồ di tích lịch sử ra đời, học sinh sẽ quan tâm hơn tới môn lịch sử cũng như những người yêu thích lịch sử như em sẽ có thêm điều kiện để tìm hiểu về vấn đề mình yêu thích.

TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho biết, trên thế giới hình thức bản đồ di tích lịch sử khá phổ biến và là công cụ hữu hiệu để người dân tìm hiểu lịch sử một cách nhanh chóng, chính xác nhất. Hiện nay là thời đại của Internet, đa số các bạn trẻ dành hàng giờ để truy cập vào các trang web, bản đồ di tích lịch sử dành cho học sinh nếu được hoàn thiện tốt sẽ có lợi rất nhiều cho công tác dạy và học sử trong trường phổ thông, nâng cao hơn nữa sự say mê đối với lịch sử - một môn học vẫn bị nhiều học sinh thờ ơ. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nghiên cứu lịch sử lâu năm, TS Nguyễn Việt cũng cho rằng, có thể xây dựng phần mềm này theo hướng “mở” để thông tin liên tục được cập nhật, không gây nhàm chán cho người đọc cũng như duy trì tính tương tác giữa phần mềm và người đọc hơn.

Phần mềm bản đồ di tích lịch sử cấp quốc gia là một trong những hoạt động nhằm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông, giai đoạn 2008 - 2013, với mục tiêu hỗ trợ hoạt động chăm sóc, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa và hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học. Với bản đồ này, học sinh sẽ dễ dàng tra cứu và tìm hiểu thông tin về các vùng miền dựa trên nguồn thông tin được cung cấp từ chính các trường THCS trong cả nước. Hiện tại, Bộ GD - ĐT đang đề nghị trước ngày 5/3, các trường THCS nộp danh sách di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn trường đóng trụ sở.

 

N. Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN