Hỗ trợ các gia đình diện F0, F1
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tỉnh Đồng Tháp thông tin: Chủ trương của tỉnh trong việc tổ chức tựu trường và khai giảng năm học trễ 15 ngày so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng vẫn đảm bảo thời gian để học sinh lớp 9 thi tuyển sinh vào lớp 10 và học sinh, học viên lớp 12 thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch và hướng dẫn các trường chuẩn bị, linh hoạt các hình thức dạy học, nhất là dạy học trực tuyến cho học sinh nếu tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Về việc tuyển sinh các lớp đầu cấp, Sở yêu cầu Trưởng phòng các Phòng Giáo dục và Đạo tạo tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 phù hợp với điều kiện thực tế về thời gian, phương thức,… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đăng ký, làm thủ tục nhập học cho con em. Lưu ý hỗ trợ các gia đình diện F0, F1 sau thời gian cách ly tập trung làm thủ tục nhập học cho con em; Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông linh hoạt thực hiện việc xác nhận, làm thủ tục nhập học của học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10.
Bà Nguyễn Thúy Hà cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục thông tin đầy đủ, chi tiết về các loại sách giáo khoa sử dụng trong năm học, tuyệt đối không yêu cầu phải có các loại sách tham khảo không thực sự cần thiết. Đối với các lớp 1,2 và 6, Trưởng phòng các phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp nhận sách giáo khoa do đơn vị có chức năng cung ứng và chuyển đến học sinh, không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách, cha mẹ học sinh phải mua với giá cao, mua nhầm sách khác. Đối với các lớp 3, 7 và 10, có khả năng sách sẽ thiếu cục bộ (do nhà xuất bản và các đơn vị cung ứng không in, đặt hàng nhiều), nhà trường cần rà soát sách hiện có trong thư viện để cho các em mượn hoặc vận động học sinh đã học tặng lại sách giáo khoa để hỗ trợ các bạn lớp dưới.
Còn 18 cơ sở giáo dục đang được trưng dụng làm khu cách ly
Giám đốc Sở Nguyễn Thúy Hà cho biết, tính đến ngày 1/9, toàn tỉnh còn 18 cơ sở giáo dục đang được trưng dụng làm khu cách ly để phòng, chống dịch COVID-19. Sở Giáo dục và đào tạo đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương sắp xếp, bàn giao lại cơ sở vật chất để chuẩn bị năm học mới. Ngay sau khi tiếp nhận lại cơ sở vật chất, sẽ tiến hành ngay việc tu sửa cơ sở vật chất, phối hợp với ngành Y tế phun khử khuẩn để chuẩn bị tổ chức dạy học và hoàn thành trước ngày 12/9/2021 để đảm bảo an toàn cho học sinh, học viên và giáo viên khi vào học.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân. Sở Giáo dục và đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét không thu hoặc giảm học phí học kỳ I năm học 2021 - 2022 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh để giảm bớt khó khăn cho học sinh, học viên và cha mẹ các em (khoảng 32,5 tỷ đồng). Đồng thời, Hội Khuyến học các cấp có các chương trình hỗ trợ cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đến trường.
Trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện các khoản thu đầu năm đúng quy định, không được tự đặt ra các khoản thu trái quy định dưới bất cứ hình thức và nội dung nào. Mặt khác, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu thỏa thuận, có thể quy định “mở” về thời điểm thu, không gộp các khoản thu và đóng góp tập trung vào đầu năm học.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Đồng Tháp tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng, chống dịch, thời gian thực hiện đến hết ngày 15/9. Vì vậy đề nghị sẽ tổ chức khai giảng năm học mới theo hình thức trực tuyến, đảm bảo các quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch COVID-19, trong đó có các phương án hướng dẫn cụ thể ứng phó, kiểm soát tốt khi có tình huống xảy ra, đảm bảo năm học mới an toàn trong trạng thái chống dịch. Ngoài ra, chỉ đạo các địa phương dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác chuẩn bị năm học mới, không để trường hợp nào khó khăn do thiếu quần áo, sách vở, học phí mà không được đến trường, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng biên giới. Bên cạnh đó, các địa phương cần ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng giáo viên,...
Được biết, hiện tỷ lệ tiêm chủng của ngành giáo dục là trên 87,6%, còn khoảng trên 2.866 giáo viên chưa được tiêm chủng.