Trường Quốc học Huế - nơi giác ngộ tinh thần yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc học Huế là ngôi trường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng theo học vào những năm đầu thế kỷ XX.

Chính tại ngôi trường này, Người đã tiếp thu nhiều tri thức mới và được giác ngộ để trở thành một thanh niên trí thức yêu nước. Với bề dày lịch sử hơn 120 năm, các thế hệ giáo viên và học sinh Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc học Huế luôn giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp xứng đáng là ngôi trường Anh hùng, là cái nôi ươm mầm tri thức, tài năng cách mạng cho miền Trung và của cả nước.

Trường Quốc học - nơi giác ngộ tinh thần yêu nước

Được thành lập ngày 23/10/1896, theo sắc dụ của vua Thành Thái, trường có tên là Pháp tự Quốc học Đường và thường gọi là Trường Quốc học. Trải qua 124 năm, tên gọi của ngôi trường đã nhiều lần thay đổi từ Pháp tự Quốc học Đường, Trường Quốc học, Trường Trung học Khải Định…, từ năm 1956 đến nay được gọi là Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc học Huế.

Năm 1906, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lúc này mang tên Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế lần thứ hai. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Sinh Sắc, sau khi đỗ Phó bảng đã vào Kinh đô Huế nhậm chức và đưa theo hai anh em Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành đi cùng. Năm 1908, Nguyễn Tất Thành là một trong mười học sinh giỏi nhất Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba thi vượt cấp vào lớp đệ nhị trung học tại Trường Quốc học khóa 1908 -1909.

Chú thích ảnh
Trường Quốc Học luôn tự hào đã góp phần bồi đắp nên một nhân cách lớn, một bản lĩnh lớn, một lãnh tụ thiên tài cho dân tộc- Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Những năm đó, Trường Quốc học có hai dãy nhà lợp tranh, tường gạch, cột gỗ, cổng trường xây 2 tầng. Tại Trường Quốc học, Nguyễn Tất Thành được học tập, tiếp xúc với nhiều người thầy giỏi có tư tưởng tiến bộ và tinh thần yêu nước như thầy Hoàng Thông, Lê Văn Miến. Các thầy không chỉ dạy về văn hóa mà còn dành nhiều thời gian nói chuyện với học sinh về những thành tựu dân chủ, văn minh ở phương Tây. Chính ảnh hưởng của các thầy giáo tân học và những sách báo tiến bộ khi đó mà ý định sang phương Tây lớn dần lên trong tâm trí Nguyễn Tất Thành. Người khát khao muốn tìm hiểu sự thật của những từ “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”.

Vào học trường Tây, sống tại Kinh đô Huế, Nguyễn Tất Thành nhìn thấy những nghịch cảnh, ngang trái trong lòng xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào và sớm có chí đánh đuổi thực dân, giành lại độc lập cho đất nước, đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Sau khi rời mái Trường Quốc học, Nguyễn Tất Thành đã đi vào Nam, rồi sang phương Tây tìm đường cứu nước.

Theo dòng chảy của thời gian, ngôi trường Quốc học đã nhiều lần được sửa chữa, xây mới nhưng nhiều hình ảnh tư liệu của mái trường gắn với giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh từng học tập luôn được các thế hệ thầy trò nhà trường trân trọng, giữ gìn. Tại Nhà lưu niệm về Bác Hồ và truyền thống của Trường Quốc học Huế, tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được phóng to, treo trang trọng cùng với tượng đài và nhiều hình ảnh ghi lại những năm tháng hoạt động cách mạng của Người.

Ở đây, các thế hệ học trò của Nhà trường được tìm hiểu và lắng nghe những câu chuyện về người học trò ưu tú Nguyễn Tất Thành; những dấu ấn trên đất Cố đô cũng như cuộc đời cách mạng của Người. Giữa sân trường, bức tượng học trò Nguyễn Tất Thành được đặt ở vị trí trang trọng nhất như muốn nhắc nhở các thế hệ học sinh tại Trường Quốc học Huế nâng cao tinh thần hiếu học, nỗ lực phấn đấu vì lý tưởng của đời mình. Trường Quốc học luôn tự hào đã góp phần bồi đắp nên một nhân cách lớn, một bản lĩnh lớn, một lãnh tụ thiên tài cho dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Em Nguyễn Nhật Thủy Tiên, học sinh lớp 11 Văn chia sẻ: Chúng em rất tự hào khi được học tại ngôi trường mà Bác Hồ đã từng theo học. Nơi đây đã chứng kiến những tháng năm miệt mài học tập và hoạt động sôi nổi của Người trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Chúng em sẽ cố gắng nỗ lực học tập, rèn luyện để góp sức nhỏ của mình xây dựng quê hương, đất nước ngày giàu đẹp như Bác Hồ từng mong muốn.

Chú thích ảnh
 Bức tượng cậu học trò Nguyễn Tất Thành được đặt ở vị trí trang trọng nhất giữa sân trường. 

Không chỉ tự hào với người học trò ưu tú Nguyễn Tất Thành, nhiều nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng từng học tập dưới mái trường này như Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… và nhiều nhà khoa học, văn hóa, giáo dục, nhà văn, nhà thơ lỗi lạc như: Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Xuân Diệu, Đào Duy Anh…

Ươm mầm tài năng tri thức
      
Không chỉ là một trong những ngôi trường có bề dày truyền thống lâu đời nhất của Việt Nam, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc học Huế còn là ngôi trường chuyên nổi tiếng cả nước hiện nay về những thành tích đỉnh cao trong dạy và học. Trở thành học sinh dưới mái Trường Quốc học là mơ ước và tự hào của học sinh đất Cố đô cũng như các tỉnh thành trong khu vực miền Trung.

Nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Trường hiện có 140 giáo viên, trong đó có 82 Thạc sĩ. Hầu hết học sinh cuối cấp ở đây đều thi đỗ vào các trường đại học nổi tiếng trong nước và quốc tế. Mỗi năm, khoảng 30% học sinh Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc học Huế được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của nhiều trường đại học uy tín trong nước và nước ngoài. Từ ngày thống nhất đất nước 1975 đến nay, học sinh của trường đã giành gần 20 huy chương Olympic Quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
 Học sinh tham quan Nhà lưu niệm. 

Nhiều cái tên đã làm rạng danh “bảng vàng” thành tích của nhà trường như: Lê Bá Khánh Trình (vô địch Olympic Toán quốc tế năm 1979 với số điểm tuyệt đối 40/40), Đinh Anh Minh (Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế 2010), Trương Đông Hưng (Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế 2017), Nguyễn Hy Hoài Lâm (Huy chương Đồng Olympic Tin học quốc tế 2017)... Học sinh nhà trường còn đoạt nhiều giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, sân chơi trí tuệ như chương trình Đường lên đỉnh Olympia với hai lần vô địch, gồm Hồ Ngọc Hân (năm 2009), Hồ Đắc Thanh Chương (năm 2016). 

Thầy giáo Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc học Huế cho biết: Tự hào là ngôi trường Bác Hồ từng học tập, các thế hệ thầy và trò Trường Quốc học Huế quyết tâm duy trì và phát huy những thành tích đã đạt được. Nhà trường tiếp tục không ngừng đổi mới phương pháp dạy học; kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới công tác quản lý, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo. Đồng thời, nhà trường chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho học sinh. Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc học Huế đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện để trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chú thích ảnh
Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế nổi tiếng cả nước về những thành tích đỉnh cao trong dạy và học. 

Với bề dày truyền thống và giá trị lịch sử đặc sắc, ngày 26/3/1990, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc học Huế đã được xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Năm 1996 và 2006, Nhà trường vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; năm 2003 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Giữa những ngày tháng Năm lịch sử, hòa chung trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thầy và trò Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc học Huế đang có nhiều hoạt động ý nghĩa như tổ chức cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, phát động phong trào thi đua học tập và làm việc theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ dạy tốt, học tốt để luôn xứng danh là ngôi trường nơi Bác Hồ từng học tập.

Bài và ảnh: Tường Vi (TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2020), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có bài viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân”. TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN