Chủ động đón cái mớiKỳ thi sắp tới, hầu hết các môn sẽ thi trắc nghiệm, đồng thời có 2 bài thi tổ hợp và lần đầu tiên có môn Giáo dục công dân (GDCD). Trước những thay đổi này, một số trường đã khá chủ động vào cuộc.
Giờ ôn tập của học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội. Ảnh: QT |
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: Ngay khi dự thảo phương án thi THPT được công bố, trường đã họp với tất cả phụ huynh khối 12. Mặc dù vẫn còn những lo lắng trong thi trắc nghiệm, nhưng việc thi này không phải là quá mới mẻ. Tuy nhiên, cả giáo viên, học sinh, phụ huynh cần chủ động trước những đổi mới.
“Sau khi có đề mẫu của Bộ, các tổ nhóm chuyên môn đã trao đổi, thống nhất phương án dạy và ôn tập. Đồng thời khảo sát nguyện vọng môn tự chọn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nắm bắt những băn khoăn, lo lắng của học sinh, từ đó đề ra biện pháp phù hợp”, cô Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ.
Theo ông Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng, thực tế giáo dục Việt Nam là học để thi, do đó, với phương án thi mới, nhà trường đã điều chỉnh phương pháp giảng dạy để các em vừa học, vừa tiếp cận với những dạng đề tương tự đề thi minh họa. Đặc biệt, trước yêu cầu với môn thi trắc nghiệm, nhà trường sẽ giảng dạy theo hướng vừa cung cấp được kiến thức cơ bản cho học sinh, vừa giúp học sinh thành thục với bài thi trắc nghiệm.
Thầy Lê Hoành Phò, giáo viên dạy toán Trường THPT Lê Quý Đôn, Đà Nẵng cho biết, ở môn toán, các thầy cô giáo sẽ thêm các câu hỏi trắc nghiệm bên cạnh các bài giải toán truyền thống. Sẽ phải thực hành nhiều hơn trong các buổi học để học sinh làm quen với kỹ thuật thi trắc nghiệm.
Theo lãnh đạo một số trường THPT, điều quan trọng nhất là phổ biến cho giáo viên hiểu đúng về những đổi mới. Từ đó, họ sẽ tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh hiểu được. Bởi ngay khi dự thảo công bố với khá nhiều thay đổi trong cấu trúc bài thi, hình thức thi, đặc biệt với thi trắc nghiệm môn toán, nhiều phụ huynh và học sinh đã rất lo lắng. Giáo viên là cầu nối để giúp phụ huynh, học sinh hiểu được chủ trương mới này.
Có thể Giáo dục công dân là cứu cánhĐến nay, nhiều học sinh vẫn hoang mang bởi lần đầu tiên môn GDCD được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, việc đưa môn GDCD thành môn thi chính rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh việc giáo dục ý thức đạo đức cho học sinh càng ngày càng phải tăng cường hơn như hiện nay. Học sinh cũng không nên lo lắng về môn học mình chưa từng thi. Thực tế, với cách dạy và học, ra đề mở như hiện nay, học sinh chỉ cần để tâm đến các vấn đề đời sống xã hội là có thể làm bài tốt. Đây có thể là môn cứu cánh của các em.
Theo thầy Lê Quốc Học, Tổ trưởng tổ xã hội Trường THPT Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, nếu biết cách vận dụng các kiến thức liên môn trong các môn khoa học xã hội thì sẽ giải quyết được nhiều nội dung trong môn GDCD. Cũng nhằm giải tỏa những lo lắng này, trường bổ sung 2 tiết/tuần, thay vì 1 tiết như trước.
“Có một cách học môn GDCD là học sinh chịu khó nắm bắt các thông tin thời sự và những phân tích đa chiều qua thông tin truyền thông. Bên cạnh đó, cần tương tác nhiều trong giờ học này với giáo viên. Đồng thời, tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ tăng khả năng tư duy bao quát và phân tích vấn đề. Đó cũng là cách ra đề “mở” rất quen thuộc mà Bộ GD - ĐT thực hiện trong 3 năm trở lại đây”, một giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội cho biết.