Ở bán trú tại trường, học sinh được ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, nhờ đó sức khỏe cơ bản đảm bảo khả năng học tập. |
Năm học 2017 – 2018, Trường Tiểu học Sam Kha có trên 500 học sinh, trong đó có 187 học sinh bán trú tại hai điểm trường trung tâm xã và bản Huổi Phô. Điểm trường trung tâm xã có 131 học sinh bán trú là con em ở các bản Huổi Sang, Phá Thóng, Sam Kha và Púng Báng. Điểm trường bản Huổi Phô có 56 em học sinh bán trú, nhà ở hai bản Hin Chá và Huổi My.
Tại hai điểm trường, nơi ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú đều là nhà lắp ghép, chưa có nhà vệ sinh, nhà tắm và công trình cung cấp nước kiên cố. Hiện điểm trường trung tâm xã có hai gian nhà ăn, bốn gian nhà ở khoảng gần 10m2/gian. Điểm trường bản Huổi Phô có một gian nhà ăn, một gian nhà ở với diện tích hơn 5m2/gian.
Mặc dù cơ sở vật chất chưa đầy đủ, bữa ăn đơn giản chỉ có cơm, canh và một chút thức ăn nhưng khi được hỏi, các em học sinh nơi đây đều cho biết, các em thích ở trường hơn ở nhà. Em Vàng A Hai, học sinh lớp 5 tại điểm trường bản Huổi Phô chia sẻ: "Trước đây, nhà em ở xa phải đi về trong ngày nên rất ngại đi học. Nay trường có bán trú, em không chỉ được học chữ mà còn được các thầy cô chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ".
Thầy Lò Văn Dẫn là người phụ trách công tác bán trú tại điểm trường bản Huổi Phô. Với 10 năm công tác trên địa bàn, thầy Dẫn cho biết, nhờ tổ chức ăn, ở tập trung tại trường cho học sinh bán trú, tính chuyên cần và ý thức học tập của các em được cải thiện rõ rệt. Những năm qua, số lượng học sinh bỏ học giữa chừng ngày càng giảm. Không những vậy, học sinh có nhiều thời gian tự học. Thầy cô có nhiều thời gian quan tâm, kèm cặp học sinh, từ đó chất lượng dạy và học của nhà trường được nâng cao.
Các thầy, cô giáo coi học sinh như đàn con nhỏ. Mỗi thầy, cô chủ nhiệm phụ trách một lớp bán trú. Họ chăm lo cho học sinh từ sáng tới tối, từ vật chất tới tinh thần, từ bữa ăn tới giấc ngủ… Ở nhà có thức ăn ngon, có sách vở, đồ dùng học tập, thầy, cô lại mang tới trường cho học sinh. Có thầy, cô giáo kể, nhiều lúc học sinh ốm mà nhà bận việc cũng không dám nghỉ, chỉ sợ học sinh không được chăm sóc lại tủi thân. Thời gian các thầy cô dành cho học sinh nhiều hơn thời gian dành cho gia đình. Song với họ, chỉ cần giúp học sinh có điều kiện được ăn, nghỉ, sinh hoạt tốt hơn, mọi khó khăn, nhọc nhằn đều tan biến.
Ngoài giờ học, thầy, cô cùng các em học sinh tham gia nhiều hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc vườn hoa cây cảnh… Khu vườn mang tên “Vườn em xanh” tại trung tâm Trường Tiểu học Sam Kha do các thầy cô và học sinh chăm sóc nay đã cho thu hoạch, góp phần cung cấp thêm nhiều rau sạch vào khẩu phần bán trú hàng ngày. Thông qua lao động, thầy, cô hướng dẫn học sinh các kỹ năng trong cuộc sống, vừa rèn luyện sức khỏe vừa nâng cao ý thức tự quản, tự phục vụ…
Buổi tối sau giờ ăn, các thầy cô giáo lại giúp các em ôn bài. Có chỗ nào khó, ở trên lớp chưa hiểu, thầy cô lại giảng giải thêm. Nhiều hôm tới tận đêm, thầy và trò vẫn say sưa học tập. Không phụ tấm lòng và tình cảm của các thầy cô dành cho mình, việc học tập của các em tiến bộ nhanh chóng. Các em học sinh lớp 5 như em Vàng A Hai đều bày tỏ mong muốn được học tiếp và phấn đấu trở thành những người như thầy, cô giáo.
Cuộc sống tại trường có học sinh bán trú là thầy giúp trò, trò giúp thầy. Cô Tòng Thị Cúc (sinh năm 1995) tại điểm trường bản Huổi Phô nhớ lại ngày đầu công tác. Cô là giáo viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc tiếp cận học sinh rất khó khăn, đặc biệt khi cô là người Thái, học sinh chủ yếu là người Mông. Qua việc chăm lo ăn, ở tập trung tại trường cho học sinh bán trú, các em đã giúp cô học thêm được nhiều từ tiếng địa phương. Từ đó, cô dễ dàng tìm hiểu tâm sinh lý các em cũng như vận động cha mẹ các em đưa con tới lớp.
Đối với các thầy, cô giáo, được nhìn thấy các em học sinh khôn lớn từng ngày là niềm vui và hạnh phúc. Các thầy, cô không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong chăm lo cuộc sống hàng ngày cho các em được đầy đủ nhất.