Tập trung đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch chất lượng cao
Theo PGS.TS. Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn được chia làm 4 khâu gồm thiết kế, sản xuất, đóng gói - kiểm tra và chế tạo thiết bị. Hiện Việt Nam đang có lợi thế để tham gia sâu vào khâu thiết kế, vốn chiếm 53% giá trị gia tăng của một sản phẩm vi mạch. Đáng chú ý, có khá nhiều công ty thiết kế vi mạch lớn trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam, từ đó tạo ra cơn khát nguồn nhân lực chất lượng cao.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2030, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới. Theo đó, các trường đại học thành viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.
PGS.TS. Mai Thanh Phong cho biết thêm, đón đầu xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới và định vị mình là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học xuất sắc, có vai trò tiên phong dẫn dắt lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong nước, nhà trường đã triển khai chương trình đào tạo liên quan đến vi mạch từ hơn 20 năm nay. Mỗi năm, nhà trường cung cấp khoảng 300 sinh viên có liên quan đến vi mạch.
Các chương trình đào tạo về vi mạch được xây dựng và giảng dạy bởi đội ngũ 200 giảng viên của khoa Điện – Điện tử, khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, và khoa Công nghệ Vật liệu. Các giảng viên đều tốt nghiệp Tiến sĩ từ các quốc gia có nền công nghiệp vi mạch bán dẫn tiên tiến như: Mỹ, Đức, Pháp, Úc, Nhật, Hàn Quốc.
“Trước nhu cầu cấp thiết về nhân lực vi mạch cũng như trên cơ sở tận dụng lợi thế đã có suốt hơn 20 năm ở lĩnh vực này, trong năm học 2024 - 2025, nhà trường sẽ chính thức tuyển sinh 2 mã ngành mới: Ngành Thiết kế vi mạch, được đào tạo ở bậc đại học với 132 tín chỉ, chú trọng về thiết kế vi mạch để giúp cho người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ngay tại hầu hết các công ty thiết kế vi mạch trong nước và khu vực; Ngành Vi mạch bán dẫn sẽ được đào tạo sau đại học với 60 tín chỉ, cung cấp các kiến thức và kỹ năng nâng cao về thiết kế, chế tạo vi mạch (số, hỗn hợp, tương tự và cao tần). Qua đó, ngành học sẽ tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao, đúng tầm cho nền công nghiệp vi mạch bán dẫn”, PGS.TS. Mai Thanh Phong thông tin
Nhiều giải pháp đẩy mạnh đào tạo ngành vi mạch
TS. Huỳnh Phú Minh Cường, Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử của Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, để đào tạo được kỹ sư đúng tầm, có thể thiết kế được vi mạch đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thì cần phải xây dựng PTN hiện đại, chương trình đào tạo tốt cùng đội ngũ giảng viên và sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục trong nước với các cơ sở đào tạo nước ngoài.
“Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ để sẵn sàng phát triển và đào tạo ngành học này. Cụ thể, từ năm 2013, chúng tôi đã thành lập PTN Vi mạch và Hệ thống cao tần chuyên phục vụ thiết kế và đo kiểm vi mạch bán dẫn. PTN được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại như máy chuyên dụng RF/Microwave dùng để kiểm tra các mạch và có tần số cao lên đến lên đến 67 GHz. Bên cạnh đó, hệ thống thiết bị của PTN có thể dùng để nghiên cứu thiết kế chíp cho hệ thống truyền thông tin trong tương lai như 6G và 7G. Tại đây, chúng tôi cũng có đội ngũ nhóm nghiên cứu khoảng 40 người gồm sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh”, TS. Huỳnh Phú Minh Cường thông tin.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu thuộc PTN Vi mạch và Hệ thống cao tần đã thiết kế thành công 03 chip CMOS RF DVB-T2 TUNER có gắn logo Trường Đại học Bách khoa, được chế tạo tại nhà máy sản xuất Chip TSMC (Đài Loan, Trung Quốc). Đây là chip cao tần thu tín hiệu truyền hình số mặt đất, tất cả các chip đều hoạt động tốt. Điều này cho thấy, năng lực đào tạo và nghiên cứu của trường trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn đã đem lại nền tảng cho tương lai sau này.
Ngoài ra, Trường Đại học Bách khoa cũng đã thiết lập mối quan hệ hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn với nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới như: University of Illinois Urbana-Champaign (Hoa kỳ); Texas A&M University (Hoa kỳ); KAIST (Hàn Quốc)… Song song đó, trường cũng hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp lớn như Marvell Technology, Synopsys...; nhận tài trợ bản quyền hệ thống phần mềm chuyên dụng của hai công ty lớn nhất thế giới về cung cấp công cụ thiết kế vi mạch là Synopsys và Cadence.
Để đạt được mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới trong thời gian tới, PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng, cần phải đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm ở hai miền Nam, Bắc dùng chung cho các trường đại học trong nghiên cứu đào tạo ngành thiết kế vi mạch. Thông qua các phòng thí nghiệm này, Việt Nam có thể xây dựng dựng một số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề xuất một số kiến nghị đến Chính phủ, đó là sớm ban hành chiến lược về phát triển ngành công nghệ bán dẫn, bao gồm nguồn lực đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu; có chính sách thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác với các đại học trên thế giới để mở rộng phát triển chương trình đào tạo tiên tiến về thiết kế vi mạch.