Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân; các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ, cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, chủ đề Hội thảo rất thiết thực, có tính thời sự cao, nhất là trong thời điểm các cấp, các cơ quan trung ương đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Vì vậy, việc đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực tế là yêu cầu quan trọng để từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là bất cập về thể chế, chính sách, tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát huy tối đa tiềm năng, cung cấp cho đất nước nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, thời gian qua, lĩnh vực giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2013 - 2021, số lượng cơ sở giáo dục đại học tăng từ 207 lên 237 trường; quy mô đào tạo các trình độ giáo dục đại học trong giai đoạn này tăng từ 1.546.478 người lên 2.021.901 người, tỉ lệ tăng 30,74%. Nhiều trường đã tích cực, chủ động phát triển các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế. Số lượng, trình độ, năng lực đội ngũ giảng viên các trường đại học được nâng lên...
Tuy nhiên, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục đại học còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cả về quy mô, cơ cấu ngành nghề và kỹ năng làm việc. Thể chế, chính sách điều chỉnh lĩnh vực này còn có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong cách hiểu, vận dụng và hướng dẫn thi hành, đặc biệt là về thực hiện tự chủ đại học. Quy mô giáo dục đại học có tăng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tri thức. Chính sách xã hội hóa giáo dục chưa thực sự thu hút được nhiều các thành phần xã hội tham gia...
Nhấn mạnh giáo dục đại học có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, nâng cao chất lượng giáo dục đại học là nhu cầu tất yếu và cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, thể chế, chính sách pháp luật được coi là yếu tố then chốt đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tổ chức, vận hành; là công cụ hữu hiệu để quản lý phát triển các hoạt động của từng lĩnh vực kinh tế - xã hội diễn ra theo đúng mục tiêu đã xác định. Nếu được ban hành kịp thời, đồng bộ, phù hợp, có tầm nhìn, khả năng dự báo thì thể chế, chính sách pháp luật sẽ góp phần “soi đường”, tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực phát triển; ngược lại, sẽ gây ra những rào cản đối với sự đổi mới và phát triển.
Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chỉ rõ: Giáo dục đại học là một dịch vụ công đặc biệt, đầu tư cho giáo dục nói chung và cho giáo dục đại học nói riêng là đầu tư cho phát triển. Cả người học, gia đình, Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội cần phải đầu tư “đủ tầm” cho giáo dục đại học, cho các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra các nguyên nhân căn cốt dẫn tới hạn chế chất lượng giáo dục đại học. Đó là cơ chế đánh giá, giám sát chất lượng chưa hiệu quả, thực chất; hành lang pháp lý về tự chủ đại học chưa đồng bộ, năng lực quản trị của một số cơ sở giáo dục đại học còn yếu; hệ thống cơ sở giáo dục đại học còn phân mảnh, chưa tối ưu hóa; nguồn lực đầu tư rất thấp, phân bổ ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học chưa hiệu quả...
Do đó, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học cần tăng cường các yếu tố tác động tới chất lượng. Đó là đánh giá, giám sát chất lượng (đầu ra và các yếu tố bên trong hệ thống); tối ưu hóa hệ thống (về cấu trúc, quản trị và hoạt động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực); huy động, phát triển các nguồn lực (tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất và công nghệ, các quan hệ hợp tác); phân bổ và kiểm soát hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học (tiêu chí, cơ chế...).
Theo ông Hoàng Minh Sơn, để đưa tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất cần tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách như: tự chủ về tổ chức bộ máy, phát triển đội ngũ, về thu, chi tài chính. Ngoài ra, cơ sở giáo dục còn phải được gỡ điểm nghẽn về tự chủ quản lý, sử dụng tài sản, tự chủ đầu tư mua sắm, tự chủ các hoạt động chuyên môn...
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về chất lượng giáo dục đại học từ tác động của thể chế, chính sách, dưới các góc độ khác nhau từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, người sử dụng lao động, doanh nghiệp xã hội. Các ý kiến cũng làm rõ những vướng mắc, rào cản liên quan tới thể chế, chính sách, đề xuất giải pháp phù hợp, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm về: chính sách nâng cao chất lượng chuyên môn học thuật; đổi mới quản trị đại học, đẩy mạnh tự chủ đại học; chính sách về nguồn lực đầu tư; chính sách về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học; chính sách xã hội hóa giáo dục đại học; về hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học và giáo dục đại học gắn với việc làm sau khi ra trường...