Theo đó, các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Phổ thông có nhiều cấp học chuyển sang các hình thức dạy học không trực tiếp phù hợp với người học trên địa bàn. Việc dạy học tập trung vào ôn tập, củng cố kiến thức, nội dung cốt lõi mà học sinh đã học, giúp các em rèn luyện nề nếp, ý thức học tập, củng cố kiến thức, kỹ năng. Thời gian, thời lượng dạy học không trực tiếp cần phù hợp với từng độ tuổi, môn học, tránh quá tải đối với học sinh.
Đồng thời, các trường cần chủ động xây dựng kế hoạch, quản lý việc dạy học không trực tiếp của đơn vị; quán triệt giáo viên, học sinh thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy học không trực tiếp; tăng cường tuyên truyền tới cha mẹ học sinh thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, đảm bảo sức khỏe, sinh hoạt, học tập, an toàn cho học sinh và cùng phối hợp với nhà trường quản lý các em trong thời gian không tham gia học trực tiếp; làm tốt công tác chuẩn bị các điều kiện khi học sinh trở lại trường đảm bảo an toàn. Ngày thứ Hai, 28/2, các đơn vị tiếp tục thực hiện ôn tập, củng cố kiến thức đã học và ổn định nề nếp học sinh.
Trước đó, ngày 21/2, do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại trên diện rộng, tỉnh Lai Châu đã có 38/344 trường chủ động cho 16.650 học sinh nghỉ học. Trong đó, huyện Tam Đường có 4 trường, huyện Sìn Hồ 13 trường, huyện Than Uyên 8 trường và huyện Phong Thổ 13 trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu yêu cầu các đơn vị trường học chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét đảm bảo sức khỏe cho học sinh; hạn chế hoạt động ngoài trời, tuyệt đối không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc gây thiệt hại về người. Căn cứ diễn biến thời tiết và điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị, các trường tổ chức việc dạy và học linh hoạt đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, nhất là đối với các trường, điểm trường khu vực trên cao, có nhiệt độ thấp.