Thông tin trên được ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đưa ra tại hội nghị về thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025, do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/3.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, năm học 2022 - 2023 và các năm tiếp theo, các địa phương đều đảm bảo chỗ học cho con em trên địa bàn. Tuy nhiên, thực hiện chương trình sách giáo khoa phổ thông năm 2018, mục tiêu phấn đấu 100% học sinh được học 2 buổi/ngày gặp nhiều khó khăn, áp lực lớn nhất tập trung tại cấp học tiểu học và THCS.
Một số quận, huyện và thành phố Thủ Đức có trường tiểu học với sĩ số 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học.
Ông Lê Hoài Nam cho biết, đến cuối năm 2022, TP Hồ Chí Minh chỉ có 12/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Trong đó có 3 quận gồm Quận 4, Quận 12, quận Gò Vấp vẫn chưa đạt xây dựng kế hoạch đến năm 2025. Song song đó, tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu trên cũng không đồng đều giữa các cấp học.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, chỉ tiêu thực hiện 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học là một trong những chỉ tiêu quan trọng và đã được Thành phố đưa ra từ rất lâu. Đến nay, về tổng thể, toàn Thành phố đạt 294 phòng học/10.000 dân, đã tiệm cận chỉ tiêu đề ra. Nhưng thực tế tỷ lệ này không đồng đều giữa các bậc học, giữa các địa bàn, có những địa phương tỷ lệ còn rất thấp.
"Nếu không thật sự nghiêm túc ngồi bàn kỹ vấn đề này, ngoài việc không thực hiện được chỉ tiêu đã đề ra, chúng ta còn chưa làm tròn trách nhiệm của Thành phố đối với người dân. Thành phố phải đảm bảo điều kiện tối thiểu về an sinh giáo dục”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Ông Lê Hoài Nam cho rằng, việc xây dựng trường lớp tại TP Hồ Chí Minh hiện đang gặp nhiều khó khăn, như tỷ lệ dự án các trường học cần đầu tư phần lớn thuộc tính chất đầu tư xây dựng lại hoặc cải tạo mở, dẫn đến số phòng học tăng thêm không nhiều.
Bên cạnh đó, công tác đầu tư tăng thêm trường lớp chưa khả thi do quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch giáo dục cơ bản đã triển khai thực hiện; còn nhiều dự án vướng công tác bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm triển khai theo kế hoạch đề ra. Định mức diện tích đất bình quân/học sinh theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo khá cao so với đặc thù của TP Hồ Chí Minh, dẫn đến khả năng đầu tư bị giới hạn và gặp khó khăn.
Trước những khó khăn, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị và đề xuất Thành phố nhiều pháp như có cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính; ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng trường học; có các giải pháp hỗ trợ các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tháo gỡ cho các dự án chậm triển khai, quỹ đất còn vướng do nhiều nguyên nhân.