Đây là nội dung được đề cập trong Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa được UBND Thành phố phê duyệt.
Theo đó, giai đoạn 2023 - 2025, Thành phố sẽ xây dựng 277 dự án với hơn 5.900 phòng, ước tính tăng thêm gần 4.400 phòng. Để thuận lợi và đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện, các dự án được chia thành 3 nhóm với những giải pháp phù hợp.
Nhóm 1 là các công trình trường học đã có trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025, thuận lợi về thủ tục hồ sơ, gồm 118 dự án với 2.872 phòng học. Với nhóm dự án này, Thành phố bố trí vốn kịp thời để đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.
Nhóm 2 là các công trình trường học đề xuất mới khả thi đẩy nhanh tiến độ đầu tư (chưa được đưa vào kế hoạch trung hạn), gồm có 76 dự án, với 1.357 phòng học xây dựng mới, thuận lợi về pháp lý đất đai, quy hoạch. Các sở, ban, ngành và địa phương phối hợp rà soát, bổ sung vào kế hoạch trung hạn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định để kịp triển khai khởi công trong năm 2024, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Nhóm 3 gồm 83 dự án với 1.705 phòng học. Đây là các công trình trường học thuận lợi về pháp lý đất đai nhưng còn vướng một số nội dung liên quan về quy hoạch đô thị, có thể tháo gỡ để đẩy nhanh đầu tư.
Cùng với đầu tư công, Thành phố dự kiến có 110 dự án với quy mô 2.638 phòng học (vốn dự kiến hơn 541.000 tỷ đồng) thực hiện kêu gọi xã hội hóa thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP), vay kích cầu, kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Thành phố sẽ tháo gỡ các vướng mắc về điều kiện thành lập cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc đầu tư một số dự án trường, lớp chưa khả thi do thiếu quỹ đất sạch phù hợp quy hoạch giáo dục. Cùng với đó, không ít dự án khó hoặc chậm triển khai do vướng trong công tác bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh các giải pháp về đầu tư công, trong Đề án xây dựng 4.500 phòng học mới này, UBND Thành phố triển khai nhiều giải pháp về quỹ đất. Thành phố sẽ giải quyết các dự án vướng mắc về quỹ đất; rà soát tổng thể mạng lưới trường học trên địa bàn nhằm tăng thêm quỹ đất cho giáo dục bằng nhiều giải pháp như di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân để xây dựng trường; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Thành phố ưu tiên dành quỹ đất công hiện có để xây dựng trường học, kể cả việc xin chủ trương thực hiện hoán đổi, đấu giá quyền sử dụng đất sau khi đã tạo lại quỹ đất và nguồn vốn để xây dựng các trường học.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 50.650 phòng học thông thường từ Mầm non đến Trung học Phổ thông, Giáo dục thường xuyên, Giáo dục chuyên biệt với hơn 2,1 triệu học sinh, học viên. Thành phố đã đạt 294 phòng học/10.000 dân. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các quận, huyện và ở cấp Tiểu học, Trung học Cơ sở đạt thấp. Một số quận, huyện có nhiều trường Trung học Cơ sở, Tiểu học có sĩ số cao hơn quy định, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp; điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện không đảm bảo theo chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Trong bối cảnh hằng năm số học sinh tăng cơ học cao (khoảng 40.000 em), mỗi năm học, Thành phố cần tăng thêm khoảng 1.000 phòng học. Vì thế, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, việc xây mới 4.500 phòng học là rất cấp thiết.
Trước đó, giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố có 721 dự án lĩnh vực giáo dục được thông qua chủ trương đầu tư, quy mô gần 13.700 phòng học. Tuy nhiên, mới chỉ 415 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng với gần 7.500 phòng học. Từ năm 2021-2023, Thành phố xây dựng được thêm gần 2.350 phòng học.