Trường Trung học Cơ sở Lạc Long Quân (quận Bình Tân) đang được gấp rút hoàn thành các khâu cuối cùng để sẵn sàng đón học sinh vào đầu tháng 9. Đây một trong những ngôi trường mới được đưa vào sử dụng trong năm học 2020-2021 của quận Bình Tân. Với quy mô 36 phòng học, năm học này, trường được giao tuyển sinh 22 lớp 6. Đến nay, trường đã tuyển được 18 lớp với sĩ số trung bình 45 học sinh/lớp.
Không chỉ đảm bảo các điều kiện về vật chất cho ngày tựu trường, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, công tác đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường học cũng được nhà trường đặc biệt chú trọng. Cùng với hoạt động vệ sinh, khử khuẩn để phòng dịch, thầy Hà Ngọc Tuấn Huy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, để đón học sinh trở lại trường học, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để tiến hành đo thân nhiệt khi học sinh đến trường; yêu cầu học sinh rửa tay sát khuẩn trước khi vào phòng học; thường xuyên vệ sinh mặt bàn, tay nắm cửa… Nhà trường đã tính đến phương án nếu thành phố có thực hiện giãn cách xã hội, sẽ chia mỗi lớp khoảng 20 học sinh để đảm bảo giãn cách đúng quy định.
Đây là một trong số nhiều trường học mới được Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng trong năm học mới, đáp ứng yêu cầu về chỗ học trong điều kiện học sinh tăng cao. Năm học mới, thành phố sẽ đưa vào sử dụng hơn 1.300 phòng học mới (tăng thêm 868 phòng). Tuy nhiên, thực tế, dù mỗi năm, thành phố đều đưa vào sử dụng hơn 1.000 phòng học mới nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là là quận huyện dân nhập cư đông như Quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Bình Chánh…
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, năm học 2020-2021, thành phố tăng gần 55.000 học sinh. Cụ thể, bậc Mầm non tăng trên 3.600 học sinh; Tiểu học tăng gần 9.000 học sinh; Trung học Cơ sở tăng gần 28.000 học sinh; Trung học Phổ thông tăng trên 14.000 học sinh. Số học sinh tăng nhiều ở một số quận như: Quận 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân và các huyện ngoại thành do tình trạng dân số tăng cơ học cao.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố nhận định, dân số cơ học tăng cao, số học sinh tăng cao đã tạo áp lực lớn trong việc đảm bảo chỗ học và chất lượng dạy học của thành phố. Như năm học 2019-2020, riêng số học sinh không có hộ khẩu tại thành phố là trên 377.000 học sinh. Giải quyết chỗ học cho học sinh buộc ngành giáo dục phải gia tăng sĩ số lớp học, vượt cao so với chuẩn (bậc tiểu học), số học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm. Hiện nay, nhiều trường có quy mô trên 40 - 50 học sinh/lớp, phần nào làm hạn chế trong công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.
Những hạn chế về cơ sở vật chất khiến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới gặp không ít khó khăn. Đơn cử, năm học 2020-2021, quận Gò Vấp có hơn 7.800 học sinh vào lớp 1, dự kiến số học sinh được học 2 buổi/ngày đạt 63%. Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp chia sẻ, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới là 100% học sinh lớp 1 phải được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay cộng với số học sinh tăng nhanh, yêu cầu này là một thách thức không nhỏ với quận.
Đây cũng là khó khăn chung của nhiều quận huyện khác. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày chung toàn thành phố đạt 70%, tuy nhiên có những quận, huyện tỷ lệ này rất thấp chưa tới 50%, như như quận 12 , quận Bình Tân... Toàn thành phố chỉ có 11 trong số 24 quận, huyện bảo đảm được 100% số học sinh học 2 buổi/ngày. Tháo gỡ khó khăn này để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, một số địa phương có điều kiện khó khăn thì sẽ tổ chức học thứ 7.
Về lâu dài, để đảm bảo cơ sở vật chất trường học đáp ứng chỗ học cho học sinh theo đúng chuẩn quy định, thành phố tiếp tục tập trung xây dựng trường lớp. Cụ thể, để đạt mục tiêu năm 2020, thành phố có 300 phòng học/10.000 dân số độ tuổi đi học, ngành Giáo dục thành phố đã rà soát với 24 quận, huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 với 832 dự án, quy mô 15.940 phòng học. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đạt 219 phòng học/10.000 dân và không đồng đều giữa các quận, huyện.
Bài cuối: Đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục phổ thông mới