Tìm giải pháp dạy tiếng Việt cho kiều bào

Đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt, góp phần giữ gìn tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là một nội dung quan trọng của Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hiệu quả công tác này chưa cao.

 

Nguy cơ mai một


Tại các hoạt động được tổ chức thường niên dành cho cộng đồng NVNONN, đặc biệt cho thế hệ trẻ kiều bào như “Xuân quê hương” hay “Trại hè Việt Nam”, một thực tế dễ dàng nhận thấy là còn khá nhiều thanh thiếu niên kiều bào gặp khó khăn khi biểu đạt bằng tiếng mẹ đẻ. Khi gặp khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng Việt, ngôn ngữ được các em lựa chọn sử dụng là tiếng Anh.

 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Trần Quang Quý trao chứng chỉ cho các học viên hoàn thành khóa tập huấn về phương pháp dạy tiếng Việt cho giáo viên tiếng Việt ở nước ngoài.

Thực tế này cho thấy, những yếu tố văn hóa, trong đó có việc giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN đang dần bị phai nhạt. Sức ép của quá trình hội nhập văn hóa tại nước sở tại, những khó khăn của cuộc sống hàng ngày nên kiều bào không còn thời gian duy trì việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ tiếp theo.


TS Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN đánh giá, trong thời gian gần đây, do bà con kiều bào quá bận rộn với việc mưu sinh nên những nhu cầu về văn hóa, bảo tồn bản sắc và truyền thống tốt đẹp của dân tộc không phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Thậm chí, những yếu tố này còn bị lãng quên tại một số quốc gia. Vì vậy, việc học tiếng Việt cũng không được chú trọng. Đây chính là nguyên nhân khiến cho thế hệ trẻ kiều bào không nói được tiếng Việt.


Ông Nguyễn Tất Thành, đại sứ Việt Nam tại Thái Lan nhấn mạnh: “Đây là nỗi băn khoăn, trăn trở rất lớn của cộng đồng người Việt tại Thái Lan. Nếu Đảng và Nhà nước không có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho việc mở lớp dạy tiếng Việt thì nguy cơ thế hệ thứ ba, thứ tư, những người thành đạt, có trình độ học vấn cao trong thập niên tới sẽ bị “Thái hóa”, không còn kết dính, liên hệ với quê hương”.


Nhìn ở góc độ đào tạo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Trần Quang Quý nhận định, bên cạnh môi trường dạy và học tiếng Việt chưa thuận lợi thì các tài liệu được sử dụng trong công tác giảng dạy cũng chưa đảm bảo yêu cầu. Các cơ sở dạy tiếng Việt hầu hết đều ở trong tình trạng không có tài liệu dạy tiếng Việt với tư cách ngôn ngữ thứ hai hoặc ngoại ngữ. Ông Quý cho biết, trước đây, nhiều người còn sử dụng sách giáo khoa tiếng Việt cũ để giảng dạy, sau đó sử dụng sách giáo khoa tiếng Việt do Nhà xuất bản Giáo dục (Việt Nam) phát hành. Vài thập niên gần đây, một số nhà giáo, trí thức trong cộng đồng NVNONN đã tự biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo… để phục vụ cho việc dạy và học tiếng Việt tại nước sở tại. “Những cuốn sách này, tuy thành công ở mức độ nhất định nhưng thường không theo kịp sự phát triển của tiếng Việt trong nước do người viết không có điều kiện cập nhật, kết quả truyền bá tiếng Việt trong cộng đồng bị hạn chế”, ông Quý nhận định.


Dạy tiếng Việt qua mạng


Xác định việc củng cố và phát triển toàn diện cộng đồng NVNONN nói chung và thế hệ trẻ kiều bào nói riêng trong cả nhận thức và hiểu biết về văn hóa, trong thời gian vừa qua, công tác giảng dạy tiếng Việt cũng như chiến lược phát triển và củng cố tiếng Việt đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm. "Chúng ta đã đầu tư một dự án do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện với khoản kinh phí là khoảng 5 tỷ đồng. Dự án nhằm xây dựng một bộ sách giáo khoa mới, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu rất lớn về việc học tiếng Việt của cộng đồng bà con ta sinh sống ở khắp nơi trên thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.


Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Trần Quang Quý cho biết thêm, liên quan đến việc triển khai đề án “Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”, Bộ đã biên soạn hai bộ sách “Tiếng Việt vui” (dành cho thanh, thiếu niên) và “Quê Việt” (dành cho người lớn) kèm theo các tài liệu hỗ trợ giảng dạy như bộ con rối, đĩa học và sách đọc thêm. Sau khi được tiếp cận với sách mới, đa số các giáo viện đều đánh giá đây là bộ sách dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay.


Tuy nhiên, do không có kinh phí nên việc phát hành sách gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, số lượng sách in trong khuôn khổ đề án đã hết, các khóa tập huấn sau đều phải dùng sách photo. “Chúng tôi mong muốn Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo tìm giải pháp để tiếp tục có chương trình cung cấp sách dạy tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN. Mặt khác, chúng ta cũng cần xem xét hỗ trợ tài liệu cho các khoa tiếng Việt của một số trường đại học ở nước sở tại để làm cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt tại chỗ”, ông Quý kiến nghị.


Ông Nguyễn Bá Hùng, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) chia sẻ, việc dạy tiếng Việt theo chương trình chuẩn của Nhà nước là rất cần thiết và được bà con kiều bào mong đợi. “Song song với các nỗ lực đưa chương trình vào giảng dạy trực tiếp, trước mắt VTV4 cần hoàn thiện chương trình dạy tiếng Việt; đồng thời xây dựng việc dạy tiếng Việt qua mạng. Đây là những phương thức mà kiều bào có thể học tại nhà và thuận tiện”, ông Hùng kiến nghị.

Thu Phương

Học tiếng Việt ở Genève
Học tiếng Việt ở Genève

Đúng như tên gọi, hội Nhịp cầu Hữu nghị ở Genève đóng vai trò là cây cầu nối giữa Thụy Sĩ và Việt Nam. Tổ chức các lớp học tiếng Việt cho bà con Việt kiều và bạn bè Thụy Sĩ yêu thích tiếng Việt là một trong những hoạt động chính của hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN