Năm học mới 2012 - 2013 đã sẵn sàng. Đây là năm học đầu tiên toàn ngành giáo dục - đào tạo triển khai thực hiện các công việc, nhiệm vụ lớn vừa được phê duyệt ở tầm quốc gia như: Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020; Luật Giáo dục đại học và nhất là chờ đón Nghị quyết Trung ương 6 về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển.
´Xin Thứ trưởng cho biết nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp lớn của toàn ngành trong năm học mới 2012 - 2013?
Năm học 2012 - 2013, toàn ngành xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục.
Đối với giáo dục phổ thông, chúng ta tiếp tục các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trên cơ sở đó sẽ làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi ở các cấp, bậc học khác nhau.
Toàn ngành xác định: Giải pháp đột phá là tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục theo hướng phân cấp, phân quyền, tăng trách nhiệm và sự chủ động cho cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 115 của Chính phủ. Với cơ chế quản lý mới này, toàn ngành sẽ có được sức mạnh tổng thể và huy động sự tham gia của các cấp chính quyền từ Trung ương tới cơ sở chấn chỉnh những vấn đề lâu nay gây bức xúc dư luận xã hội như: dạy thêm, học thêm tràn lan, việc thu góp không đúng quy định, những biểu hiện của bệnh thành tích, không trung thực trong thi cử, ...
Từ nhiều tháng nay, để chuẩn bị cơ sở pháp lý tốt nhất cho năm học mới 2012 - 2013, Bộ GD-ĐT đã xây dựng và ban hành các thông tư quy định về chống dạy thêm học thêm, về thu góp trái quy định. Tới đây, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để có sự chỉ đạo cụ thể và tăng cường thanh kiểm tra việc quản lý của các trường nhằm chấn chỉnh những vấn đề lâu nay gây bức xúc.
Giải pháp then chốt là “Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” ở các bậc học, ngành học theo hướng: đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu giữa các bộ môn, các vùng miền dựa trên quy hoạch nhân lực của ngành và của các địa phương; triển khai thực hiện chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2011 - 2012.
Ngành tiếp tục thực hiện việc bồi dưỡng giáo viên về tư tưởng, đạo đức nhà giáo, năng lực chuyên môn, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục. Đi đôi là việc đánh giá đội ngũ theo các chuẩn đã ban hành và lấy kết quả đánh giá đó làm căn cứ để thực hiện việc bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, việc đề bạt, quy hoạch và áp dụng các chế độ chính sách.
´Thứ trưởng có thể cho biết những hoạt động cụ thể sẽ được triển khai tại các nhà trường trong năm học mới 2012 - 2013?
Năm học 2012 - 2013, chúng ta tiếp tục thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học, theo hướng tránh việc trùng lắp không cần thiết giữa các bộ môn, giảm một số yêu cầu quá cao không phù hợp với năng lực, đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh.
Việc tinh giản nội dung dạy học sẽ giúp giáo viên có thời gian, có điều kiện thực hiện những phương pháp dạy học tích cực, khắc phục lối dạy học truyền thụ một chiều, tăng cường và khuyến khích học sinh chủ động tham gia vào quá trình học tập, thông qua đó rèn luyện phương pháp tự học.
Việc điều chỉnh nội dung dạy học còn phải phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, giảm đi sự căng thẳng không cần thiết cho học sinh, nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với mục tiêu giáo dục đã đặt ra. Cùng với đó là đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá theo hướng: yêu cầu nâng cao năng lực, đánh giá đúng năng lực của người học. Các nhà trường tổ chức nhiều sân chơi trí tuệ để tăng cường cơ hội tiếp cận thể hiện của các em học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện.
Năm học này qui chế thi về cơ bản giữ ổn định như năm trước, nhưng cũng sẽ xem xét để có thể điều chỉnh những điều gì chưa thật phù hợp, tăng cường biện pháp để thực hiện tốt qui chế, tăng thêm vai trò giám sát của xã hội đối với hội đồng thi cũng như cán bộ coi thi, chấm thi.
Công tác ra đề thi, coi thi, chấm thi sẽ tiếp tục được đổi mới, đặc biệt đề thi đối với những môn khoa học xã hội sẽ tiếp tục ra theo hướng mở gắn với những vấn đề thời sự kinh tế, xã hội của đất nước nhằm phát huy tính độc lập, sáng tạo của học sinh.
Ngành cũng sẽ chỉ đạo sát sao hơn việc tổ chức dạy và học cũng như công tác tổ chức ôn tập, trong đó chú trọng việc giúp đỡ học sinh yếu kém. Bộ sẽ tiếp tục phân tích kết quả thi của năm vừa rồi, để có sự chỉ đạo riêng đối với từng Sở GD-ĐT mà có những hạn chế trong công tác tổ chức thi, tiếp tục giáo dục ý thức thi cử một cách trung thực.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hoàng Hoa (thực hiện)