Thực hiện luân chuyển, biệt phái để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh thực hiện luân chuyển, biệt phái giáo viên, phần nào giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và cải thiện chuyên môn cho đội ngũ giáo viên.

Chú thích ảnh
Ảnh tư liệu (minh họa): Giờ học của học sinh trường Mầm non Thạch Vĩnh (Thạch Hà, Hà Tĩnh).

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Quyết định số 1640/QĐ-UBND về việc phê duyệt 40 chỉ tiêu biệt phái giáo viên ở bậc Trung học Phổ thông năm học 2023 - 2024, thời gian biệt phái trong 2 năm học. Các chế độ, chính sách đối với giáo viên biệt phái thực hiện theo các quyết định của UBND tỉnh và các quy định hiện hành.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc điều động biệt phái đối với viên chức giáo dục bậc Trung học Phổ thông năm học 2023 - 2024 thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh; đảm bảo công bằng, khách quan, công khai, minh bạch, theo nguyên tắc cân đối viên chức từ nơi thừa đến nơi thiếu, nơi thừa nhiều đến nơi thừa ít, nơi thiếu ít sang nơi thiếu nhiều; có khoảng cách phù hợp và địa điểm thuận lợi về giao thông; không làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của viên chức.

40 chỉ tiêu thuộc 11 bộ môn gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Toán, Vật lý - Kỹ thuật công nghiệp, Hóa học, Sinh học - Kỹ thuật Nông nghiệp, Tin học, Tiếng Anh, Thể dục - Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Trong số chỉ tiêu biệt phái lần này, có 32 giáo viên được điều động đến các trường Trung học Phổ thông, 8 giáo viên đến Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của các huyện Thạch Hà, Hương Khê, Đức Thọ, Nghi Xuân, Lộc Hà.

Ông Nguyễn Quốc Anh thông tin thêm, ngành Giáo dục tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1308/QĐ-UBND ngày 8/6/2023 về việc phê duyệt chỉ tiêu, cơ cấu tuyển dụng viên chức giáo dục và điều chuyển, biệt phái giáo viên năm học 2023 - 2024. Theo đó, tỉnh phê duyệt chỉ tiêu, cơ cấu tuyển dụng 229 biên chế viên chức giáo dục gồm 203 giáo viên và 26 nhân viên hành chính; trong đó, bậc Mầm non 17 chỉ tiêu, Tiểu học 188 chỉ tiêu, Trung học Cơ sở 6 chỉ tiêu, Trung học Phổ thông 18 chỉ tiêu; điều chuyển giáo viên dôi dư giữa cấp học Trung học Cơ sở và cấp học Tiểu học đối với các bộ môn đặc thù.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu địa phương tuyển dụng, sắp xếp, bố trí độ ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hợp lý; tiếp tục ưu tiên bố trí giáo viên các lớp đầu cấp và giáo viên dạy lớp 4, lớp 8, lớp 11 năm học 2023 - 2024. Ngành xây dựng kế hoạch, tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ như: bồi dưỡng chính trị hè năm 2023; cử cán bộ, giáo viên tham gia các cuộc tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngành quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, xác định tư tưởng và tạo động lực, tâm thế sẵn sàng để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, năm học được coi là năm bứt phá của đổi mới giáo dục.

Tin, ảnh: Hoàng Ngà (TTXVN)
Kiên Giang: Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Kiên Giang: Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Ba năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang, các địa phương, đơn vị đã có nhiều cố gắng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, năm học 2023 - 2024 đã cận kề nhưng tình trạng trên vẫn là vấn đề nan giải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN