Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Dự thảo Luật Giáo dục Đại học đã giải quyết các vấn đề “nóng”

Dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) đã được chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo và cán bộ quản lý qua nhiều kênh khác nhau, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3. Nhân dịp này, Báo Tin tức giới thiệu bài viết của GS. TSKH Bùi Văn Ga (ảnh), Thứ trưởng Bộ GD - ĐT.

 

Mục tiêu cơ bản của xây dựng dự thảo Luật GDĐH là tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động GDĐH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước hiện nay và chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức trong giai đoạn tiếp theo.


Các nội dung mới nổi bật tại dự thảo Luật GDĐH lần này đã giải quyết thỏa đáng các vấn đề “nóng” đang đặt ra trong thực tế hiện nay.

 

Quy định rõ cơ sở GDĐH vì lợi nhuận, không vì lợi nhuận


Ông Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng dự thảo 2 của Luật GDĐH chưa phân biệt rạch ròi trường đại học vì lợi nhuận và trường đại học không vì lợi nhuận ngay từ đầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Cơ cấu hội đồng quản trị của hai loại trường này cũng khác nhau. Trường vì lợi nhuận thì cơ cấu hội đồng quản trị như doanh nghiệp, còn trường không vì lợi nhuận, cơ cấu hội đồng quản trị mang tính hàn lâm. GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng trong bối cảnh nước ta hiện nay, việc qui định các trường tư thục không chia lợi nhuận hay chia lợi nhuận bằng lãi suất ngân hàng có thể được xem là trường không vì lợi nhuận. Cụm từ “phi lợi nhuận” sẽ dành cho các trường đại học tư thục hoàn toàn không phân chia lợi nhuận trong tương lai.


Về tài chính đại học, ông Đặng Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Chu Văn An cho rằng, việc qui định phần tài chính mà các trường đại học tư thục dùng để tái đầu tư phát triển nhà trường được miễn thuế là chủ trương rất tốt. Đối với học phí các trường công lập, GS. Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề nghị bỏ trần học phí để các trường công lập tự điều chỉnh mức thu học phí cho phù hợp với chi phí đào tạo. Khi đó các trường có thể giảm qui mô để nâng cao chất lượng. Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng thì đề nghị dự thảo luật nên qui định sử dụng ngân sách nhà nước chỉ để bao cấp một số sinh viên của các trường đại học tinh hoa. Các trường công lập còn lại tự thu học phí để trang trải chi phí đào tạo. Để tăng học phí mà người học vẫn chi trả được, GS. Phạm Phụ đề nghị Nhà nước vay vốn nước ngoài rồi cho sinh viên vay lại để học. Để đảm bảo tính công bằng trong đầu tư của Nhà nước cho các trường đại học công lập và ngoài công lập, GS. Trần Hồng Quân đề nghị dự thảo luật đưa ra cơ chế tài chính mới: “Đầu tư trực tiếp cho sinh viên, bất cứ sinh viên đó học ở trường nào. Điều này sẽ tạo động lực để các trường đại học cạnh tranh nâng cao chất lượng”.


Tiếp thu ý kiến phân tích của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý dự thảo 3 của Luật GDĐH đã đưa ra các tiêu chí về cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận. Điều 4 của dự thảo nêu rõ: “Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận nếu phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất huy động tiền gửi bình quân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố”.


Để đảm bảo cho các trường ngoài công lập phát triển bền vững, điều 65 của dự thảo 3 của luật qui định phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động của cơ sở GDĐH tư thục được dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở GDĐH, cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế. Phần còn lại phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở giáo dục đại học thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.


Dự thảo luật cũng qui định giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục và giá trị của các tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng cho cơ sở GDĐH tư thục là tài sản chung không chia, được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển.


Mặt khác, tài sản và đất đai Nhà nước giao cho cơ sở GDĐH tư thục quản lý và tài sản cơ sở GDĐH tư thục được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng phải được sử dụng đúng mục đích, không chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào.


Như vậy vấn đề gây tranh cãi nhất trong các dự thảo Luật GDĐH trước đây đã được xử lý trong dự thảo luật lần này, đó là qui định cơ sở GDĐH vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, khó có trường tư thục nào tìm được các khoản hiến tặng đủ lớn như các trường đại học nước ngoài để có thể trang trải cho mọi hoạt động mà phải dựa vào các nhà đầu tư. Vì vậy, những tiêu chí mà dự thảo luật đưa ra lần này là phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta nhằm một mặt, đảm bảo đẩy mạnh xã hội hóa GDĐH và mặt khác, ngăn chặn những hành vi trục lợi trong hoạt động giáo dục đào tạo.

 

Sẽ phân tầng cơ sở GDĐH


Dự thảo Luật GDĐH đã bổ sung các điều khoản và làm rõ phân tầng cơ sở GDĐH. Điều 4 của dự thảo luật nêu rõ phân tầng cơ sở GDĐH là việc phân chia hệ thống cơ sở GDĐH thành các loại trường khác nhau dựa trên chất lượng đào tạo và kết quả nghiên cứu khoa học. Điều 9 của dự thảo luật nêu, các cơ sở GDĐH được phân tầng thành các đại học nghiên cứu, các đại học ứng dụng và các trường cao đẳng huấn luyện nghề nghiệp.

 

Cơ sở GDĐH nghiên cứu gồm các trường đại học thực hiện chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng cao, trong đó quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt tỷ lệ ít nhất 40% so với tổng quy mô đào tạo và có kết quả cao về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Cơ sở GDĐH ứng dụng gồm các trường đại học thực hiện chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt tỷ lệ dưới 40% so với tổng quy mô đào tạo. Cơ sở GDĐH nghề nghiệp gồm các trường cao đẳng thực hiện chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp, đào tạo đến trình độ cao đẳng. Trên cơ sở phân tầng này, điều lệ trường đại học sẽ qui định xếp hạng chất lượng trong từng nhóm trường dựa vào kết quả kiểm định chất lượng GDĐH.


Theo đó, Nhà nước đầu tư ngân sách có trọng điểm để hình thành một số cơ sở GDĐH chất lượng cao theo định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội, các ngành khoa học và công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.


Các đại học nghiên cứu này có vai trò đặc biệt quan trọng để chuẩn bị nhân lực cho nền kinh tế tri thức khi nước ta hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Gs. TsKH Bùi Văn Ga

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN