Ngày 19/8, sau chuỗi hoạt động hè của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (NCCCT), một số giáo sư (GS) hàng đầu về toán học trong và ngoài nước như: GS.TSKH Ngô Việt Trung, GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, GS.TSKH Ngô Bảo Châu (ĐH Chicago, Mỹ), GS.TS Đàm Thanh Sơn (ĐH Washington, Mỹ), GS.TS Vũ Hà Văn (ĐH Yale, Mỹ)... đã có những chia sẻ về tình hình toán học Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách thu hút nhân tài để phát triển ngành toán học của nước nhà.
Khởi động nhiều hoạt động khoa học
Sau khi chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2011, Viện NCCCT đã thuê trụ sở tạm thời tại tầng 7 tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, ĐH Bách khoa Hà Nội để hoạt động. Viện sẽ phải sử dụng cơ sở này với thời gian 3 - 5 năm, trong khi chờ được UBND TP Hà Nội cấp đất và Nhà nước cấp kinh phí xây dựng trụ sở chính thức. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Viện NCCCT đã bắt đầu khởi động nhiều dự án khoa học với mục tiêu trở thành một trung tâm toán học xuất sắc, nơi trao đổi học thuật và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của các nhà toán học Việt Nam. Từ 23/6 – 18/8/2011, Viện NCCCT bắt đầu hoạt động khoa học dưới hình thức sinh hoạt seminar hè do GS Ngô Bảo Châu chủ trì về “Chương trình Langlands”. Từ 12/7 - 18/8/2011, GS Vũ Hà Văn chủ trì seminar về “Phương pháp xác suất trong Toán học hiện đại”.
Khoa Toán - Cơ - Tin học thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã triển khai đào tạo cử nhân ngành Toán học theo chương trình tiên tiến quốc tế trên cơ sở liên kết với các trường đại học Washington và Seatle (Mỹ). Ảnh: Giờ học của sinh viên khoa Toán – Cơ – Tin học. Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN |
Đặc biệt, tham gia công tác giảng dạy, thuyết trình, có hơn 10 nhà toán học Việt Nam đang công tác ở nước ngoài đã về nước tham dự và đều tự túc vé máy bay về, đi. Một số GS chia sẻ, hoạt động của GS Ngô Bảo Châu và một số GS khác giảng dạy tại Viện NCCCT trong suốt những tháng qua tại Việt Nam hoàn toàn là tình nguyện và không lương.
Mốc hoạt động của Viện NCCCT Ngày 23/12/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Viện NCCCT. Ngày 3/3/2011 GS.TSKH Ngô Bảo Châu được bổ nhiệm làm Giám đốc Khoa học của Viện NCCCT. Ngày 1/6/2011, GS.TSKH Lê Tuấn Hoa được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều hành của Viện. Ngày 6/7/2011, Ban Giám đốc Viện trình Bộ GD – ĐT kế hoạch hoạt động của Viện năm 2012. Ngày 27/7, Thủ tướng đã ký quyết định bổ sung kinh phí năm 2011 cho Bộ GD – ĐT là 4,4 tỷ đồng để cấp cho Viện. Ngày 18/8, Bộ GD – ĐT đã có công văn gửi Bộ Tài chính để làm thủ tục giao bổ sung dự toán và cho phép Viện được phép thực hiện mua sắm. Ngày 16/8, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT ra quyết định thành lập Hội đồng Khoa học của Viện nhiệm kỳ 2011 – 2014 gồm 14 GS. |
Những hoạt động hỗ trợ nền toán học nước nhà của GS Ngô Bảo Châu và các GS khác đã được các nhà khoa học đánh giá cao. GS.TSKH Ngô Bảo Châu cho biết, nhiều nhà toán học tại Hà Nội đã tích cực tham gia các seminar, nhiều buổi có tới 40 – 50 người nghe. Sau thời gian này, hoạt động của Viện NCCCT tiếp dục duy trì với các chương trình giảng dạy, nghiên cứu về “Xử lý tín hiệu” do GS.TSKH Nguyễn Hữu Dư, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì. Nhóm này đã kéo thêm sự hỗ trợ của một số nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Từ 16 - 17/1/2012, Viện NCCCT sẽ làm việc với Ban tư vấn quốc tế của Viện để Viện ra mắt với cộng đồng khoa học quốc tế.
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ, đối tượng tham gia Viện NCCCT là những nhà khoa học đã chứng tỏ được khả năng nghiên cứu của mình. Các nhà khoa học này sẽ tổ chức những chương trình trọng tâm là làm các seminar để thu hút các nhà toán học tham gia. Từ năm 2012, Viện cũng sẽ tổ chức các hội thảo và mời các nhà khoa học hàng đầu về từng đề tài tham gia. Tiến tới hàng năm, Viện sẽ có 2 – 3 chương trình trọng điểm và dồn kinh phí vào đó như: Tổ chức seminar, mời các nhà toán học hàng đầu thế giới đến để thuyết trình... Những loạt bài giảng sẽ được in thành sách hoặc tài liệu khoa học tại các nhà xuất bản trong nước hoặc quốc tế. Điều này sẽ có tác dụng truyền bá trong giới khoa học quốc tế.
Để các nhà khoa học trẻ trở về Việt NamGS.TSKH Trần Văn Nhung, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nhấn mạnh: Việc Viện NCCCT ra đời là dấu ấn lịch sử trong sự phát triển của toán học Việt Nam. Một điều có ý nghĩa hết sức quan trọng là những GS hàng đầu về toán đã trở về nước để đóng góp vào hoạt động của Viện. Hoạt động này giúp những người làm toán ở Việt Nam đang có cơ hội lớn gặp gỡ, giao lưu nhiều hơn về học thuật. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trình độ toán học đang có xu hướng đi xuống. Chia sẻ về thực trạng của đội tuyển Olympic toán Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu đánh giá, một số học sinh ở những trường vốn là lá cờ đầu trong phong trào học toán như: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Quốc gia... đã vắng bóng trong đội tuyển. Thực tế nữa là phong trào chọn học sinh giỏi ở cấp I, II trước đây phát triển khá mạnh nhưng nay đi xuống. Thực trạng này đã được nhiều GS về Toán cảnh báo từ những năm trước đây.
GS Đàm Thanh Sơn kỳ vọng hoạt động của Viện NCCCT sẽ mở đường cho những cơ chế, chính sách mới để phát triển ngành toán học và kéo những ngành khoa học khác đi theo. Ban đầu, Viện NCCCT đã có thuận lợi là tấm lòng ủng hộ của các nhà toán học. Nhưng chỉ có tấm lòng thôi thì chưa đủ mà cần phải có cơ chế, chính sách để Viện hoạt động. “So sánh về công trình khoa học công bố giữa nước ta và các nước phát triển về toán đang có một khoảng cách lớn. Một số nước ở khu vực như Xinhgapo đã có sự bứt phá là do họ có chính sách thu hút nhân tài”, GS Đàm Thanh Sơn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này với GS Đàm Thanh Sơn, GS Vũ Hà Văn chia sẻ, nếu nói toán học của ta đi xuống thì không hẳn. Một số sinh viên Việt Nam sang Mỹ học rất xuất sắc. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là phải làm sao để những bạn trẻ này về nước đóng góp cho sự phát triển của toán học và sự phát triển của đất nước.
Lê Vân