Clip PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ:
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: Năm 2023, trường tuyển 5.800 chỉ tiêu (trong đó cơ sở chính ở Hà Nội là 4.300 chỉ tiêu, tại phân hiệu TP Hồ Chí Minh là 1.500 chỉ tiêu). Trường đào tạo 31 ngành, 8 chương trình, 38 mã tuyển sinh. Tại Hà Nội tuyển sinh và đào tạo 30 ngành (trong đó có 10 chương trình tiên tiến, chất lượng cao và 2 chương trình liên kết quốc tế); tại Phân hiệu TP Hồ Chí Minh tuyển sinh và đào tạo 18 ngành.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, trường vẫn giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2022. Theo đó, Trường Đại học Giao thông vận tải xét tuyển theo 4 phương thức:
Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế. Trường sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 để xét tuyển. Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn của tổ hợp đăng ký xét tuyển và điểm ưu tiên (nếu có).
Trường xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế. Theo đó, thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức, cử tham gia; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng đã tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng vào trường theo ngành phù hợp với môn thi.
Phương thức 2: Trường sử dụng kết quả học tập THPT (theo học bạ THPT) để xét tuyển. Tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội (mã GHA), xét tuyển với hầu hết các ngành tuyển sinh. Thí sinh tốt nghiệp THPT có tổng điểm 3 môn học trong tổ hợp xét tuyển (tổng điểm trung bình lớp 10, lớp 11, lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) từ ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trở lên (ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành sẽ được trường thông báo chi tiết sau), trong đó điểm của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển không có điểm trung bình môn nào dưới 5,5.
Tuyển sinh và đào tạo tại phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh (mã GSA), xét tuyển với hầu hết các ngành tuyển sinh. Thí sinh tốt nghiệp THPT có tổng điểm 3 môn học trong tổ hợp xét tuyển (tổng điểm trung bình lớp 10, lớp 11 và điểm trung bình học kỳ I lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) từ ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trở lên (ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành được trường thông báo chi tiết sau), trong đó 3 môn trong tổ hợp xét tuyển không có điểm trung bình môn nào dưới 5,5.
Phương thức 3: Xét tuyển theo kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội và xét tuyển theo kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại phân hiệu TP Hồ Chí Minh. Chi tiết theo thông báo tuyển sinh.
Phương thức 4: Xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.0 trở lên (còn hiệu lực đến ngày xét tuyển) và tổng điểm 2 môn học (môn Toán và 1 môn không phải Ngoại ngữ) trong tổ hợp xét tuyển (tổng điểm trung bình lớp 10, lớp 11 và lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 15 điểm trở lên. Ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành sẽ được trường thông báo chi tiết sau.
Nhà trường cũng cho biết, hầu hết các ngành đều dùng 4 tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, D07. Quá trình xét tuyển, trường lấy điểm trúng tuyển theo từng mã ngành xét tuyển và không có sự chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển.
Trường Đại học Phenikaa cũng vừa công bố thông tin chính thức về tuyển sinh đại học 2023. Điểm đáng lưu ý với đề án tuyển sinh của trường năm nay là giảm phương thức tuyển sinh để phù hợp với thực tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, năm 2023, trường giảm 2 phương thức xét tuyển so với năm 2022, chỉ còn 3 phương thức xét tuyển, gồm: Xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Phenikaa (10 - 20% tổng chỉ tiêu); xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (40 - 60% tổng chỉ tiêu); xét tuyển dựa vào học bạ bậc THPT (30 - 40% tổng chỉ tiêu).
Lý giải về điều này, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cho biết, điều này căn cứ từ thực tế mùa tuyển sinh trước, việc các trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khiến nhiều thí sinh lúng túng, làm khó thí sinh. Vì vậy, năm nay nhà trường tinh gọn các phương thức xét tuyển nhằm tạo điều kiện tối ưu cho thí sinh.
Mỗi phương thức xét tuyển của nhà trường sẽ có điều kiện kèm theo. Toàn bộ thông tin tuyển sinh của nhà trường được công bố công khai trên trang điện tử. Thí sinh có thể cập nhật thông tin tuyển sinh của nhà trường để chủ động chuẩn bị phương án đăng ký xét tuyển phù hợp, nhằm bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Năm 2023, Trường Đại học Phenikaa tuyển sinh 7.668 chỉ tiêu cho 41 ngành, chương trình đào tạo với 3 phương thức xét tuyển.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng phụ Trường Đại học Phenikaa cho biết, so với năm 2022, năm nay, Trường Đại học Phenikaa tăng hơn 3.000 chỉ tiêu, có thêm 5 ngành đào tạo mới. Cụ thể là các ngành: Kỹ thuật phần mềm (một số môn chuyên ngành học bằng tiếng Anh), Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng (một số môn chuyên ngành học bằng tiếng Anh), Đông Phương học, Ngôn ngữ Pháp và Răng Hàm Mặt.
Riêng với ngành Răng Hàm Mặt, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cho biết, học phí trung bình là 150 triệu/năm. Riêng với sinh viên nhập học năm 2023 sẽ được giảm 50% học phí năm đầu tiên. Từ năm thứ 2 trở đi, học phí được giảm 40% nhưng không quá 5 năm. Việc giảm học phí này nhằm tạo cơ hội học tập cho thí sinh ở khối ngành khoa học sức khoẻ.
Trước đó, báo Tin tức đã thông tin hàng loạt các trường đại học công bố đề án tuyển sinh năm 2023. Thí sinh xem Tại đây