Mọi ngành, nghề đều cần năng lực số
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT): “Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên trong triển khai thực hiện chuyển đổi số” để đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục đang xây dựng và triển khai Đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số. Qua đó ứng dụng triệt để những thành tựu của công nghệ số, dữ liệu số để đưa các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học lên môi trường số có hiệu quả.
Thực tế, từ năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với mọi mặt đời sống trong đó có giáo dục; các trường học phải tạm thời đóng cửa để phòng chống dịch. Có tới gần 70% học sinh Việt Nam tham gia các hoạt động giáo dục trực tuyến. Điều này góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong giáo dục.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một cơ sở giáo dục sớm đưa năng lực số vào chương trình đào tạo cũng như tạo môi trường để giảng viên, sinh viên thực nghiệm.
Trước câu hỏi với một trường đào tạo ngành xã hội thì năng lực số có cần thiết không, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Nói đến năng lực số, công nghệ thông tin phải nói đến giới khoa học kỹ thuật công nghệ. Nhưng UNESCO đã định nghĩa về năng lực số như sau: Năng lực số là khả năng truy cập, quản lý, hiểu, kết hợp giao tiếp, đánh giá và sáng tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua công nghệ số để phục vụ cho các công việc từ đơn giản đến phức tạp. Cũng như khởi nghiệp, năng lực số là tổng hợp của năng lực sử dụng máy tính, năng lực công nghệ thông tin, năng lực thông tin và năng lực truyền thông. Với cách hiểu như vậy, năng lực của mỗi cá nhân được phát triển dựa trên nền tảng của năng lực thấu cảm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, sáng tạo và đổi mới. Sử dụng chủ thể là con người. Tôi đồng tình quan điểm: chuyển đổi số, chuyển đổi là con người, là những người sử dụng số, kỹ thuật. Trong chủ thể của mọi đổi mới, thay đổi thì con người đóng vai trò quan trọng”.
GS. TS Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Nói đến Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn người nghe nghĩ đến môi trường văn chương. Nhưng sự năng động của khối xã hội nhân văn trong những năm vừa qua đã được minh chứng, đặc biệt trong đại dịch COVID-19, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là một trong những đơn vị chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, được Bộ GD&ĐT ghi nhận, khen thưởng. Với sự dấn thân của trường, của cộng đồng, sinh viên, giảng viên, chúng tôi vẫn tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó tập trung vào phát triển năng lực số cho sinh viên. Sinh viên là lực lượng chủ công sau khi ra trường để thúc đẩy sự phát triển đất nước.
“Tài liệu, học liệu chỉ là bước đầu trong việc tạo khung năng lực số cho sinh viên. Công tác tổ chức đào tạo cho sinh viên và cụ thể là tập huấn cho sinh viên để nâng cao nhận thức, kỹ năng về năng lực số tiếp tục đẩy mạnh. Chương trình học đã bao gồm học phần liên quan đến năng lực số dành cho sinh viên, đã triển khai trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi hy vọng các trường đại học triển khai như phần cứng đào tạo cho sinh viên. Đào tạo phát triển năng lực số cho người học, người lao động nói chung không thể đảo ngược trong thời gian tới”, GS Hoàng Anh Tuấn nói.
Dám thay đổi để chuyển đổi
Vậy làm thế nào để cải thiện chương trình học, sinh viên dễ dàng tiếp cận với năng lực số. TS. Phan Thanh Đức, Trưởng khoa Hệ thống thông tin quản lý, Học viện Ngân hàng khẳng định: “Mạnh dạn bỏ chương trình đã quá cũ, sinh viên không hứng thú và dạy những cái học sinh cần là điều mà Học viên Ngân hàng đã làm khi đưa năng lực số vào chương trình học”. TS. Phan Thanh Đức cho biết,
Học viện Ngân hàng có 18.000 sinh viên với 10 chuyên ngành đào tạo. Thời điểm thay đổi chương trình đào tạo nhà trường cần thay đổi thì đúng dịp vấn đề năng lực số đặt ra trong sinh viên. Học viện Ngân hàng đã bỏ học phần Tin học đại cương để thay bằng chương trình khác. Chúng tôi dạy các em những thứ các em dùng hàng ngày thay vì dạy những phần mềm như word, excel hay powerpoint mà các em đã thành thạo.
Theo TS. Phan Thanh Đức, cái khó nhất với các trường hiện nay là chuyển đổi, là sự thay đổi với những cái đang quen thuộc. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng của lãnh đạo, nhà trường. Cụ thể, đưa những khung năng lực số trong sinh viên vào chuẩn đầu ra thay vì đánh giá một môn hay tín chỉ. Từ đó, các khoa cùng họp bàn để thay đổi một số cấu phần môn học. Ví dụ, môn Kế toán thay đổi 1, 2 chương. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của giảng viên nhà trường rất nhiều.
“Có thể những giáo trình này chưa hoàn hảo nhưng khi dạy những gì mới mẻ, bám đúng thị trường và quan trọng là người học thấy thú vị, háo hức đã là thành công. Mặt khác, còn khuyến khích sinh viên tự học”, TS. Phan Thanh Đức nói.
Nhiều ý kiến của chuyên gia cũng chỉ ra thách thức khi dạy năng lực số cho sinh viên không phải người học mà chính là giảng viên. Ngoài chuyên môn, nhiều thầy cô phải học lại những thứ không phải là điểm mạnh. Làm thế nào để giảng viên học được năng lực số, giảng viên kiểm soát được người học cũng là vấn đề của các cơ sở giáo dục đại học hiện thay khi đứng trước vấn đề chuyển đổi số.
Để gỡ nút thắt này, hai năm qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã từng bước thực hiện.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Khó khăn ở chính sự thay đổi của con người nói chung. Trong những năm vừa qua, về căn bản sinh viên nói riêng, đã ý thức rất cao, chủ động tăng cường thông tin. Nhưng để có năng lực số hoàn chỉnh, đồng bộ, mang tính hệ thống, đạt được ngưỡng hỗ trợ cho quá trình học tập, công tác, lập nghiệp khởi nghiệp lâu dài thì sinh viên cần được đào tạo và bồi dưỡng một cách bài bản và chính quy, vừa mang tính hàn lâm của học thuật (học phần, đào tạo) nhưng cần có môi trường thực tập, trải nghiệm để dấn thân. Tài liệu học liệu, chương trình đào tạo là một phần nhưng chưa phải là tất cả. Điều cần nữa là đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị trong các trường đại học, cơ quan đơn vị phải đồng bộ hoá”.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Nhà trường đã tạo điều kiện tối đa để sinh viên nhúng vào môi trường số. Đầu tiên là môi trường thực hành tại chỗ. Nhà trường có các trung tâm, phòng thực hành với các thiết bị cần thiết từ cơ bản đến nâng cao. Đặc biệt sinh viên của những ngành có yêu cầu cao về năng lực số như: Quản lý thông tin, Báo chí, Truyền thông đa phương tiện. Những ngành học này có phương tiện để cho sinh viên trải nghiệm. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, nhà trường đặc biệt kết nối với các đối tác lớn như: Meta, Facebook hay các cơ quan tuyển dụng nhân lực. Nhà trường ký kết với các đơn vị, như vừa qua Trường vừa ký kết với Hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội. Sinh viên nhà trường đều có cơ hội đến trong 1 đến hàng nghìn cơ quan trực thuộc Hội này. Sau khi thực tập, các em có cơ hội được tuyển dụng. Một số tập đoàn mà nhà trường đang phối hợp: Tập đoàn Bảo Ninh đang phối hợp và bảo trợ với ngành Quản lý Thông lý thông tin, VTVlive, Tập đoàn truyền thông đa phương tiện”.
Được biết, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), không chỉ sinh viên đến thực tập mà cán bộ của các đối tác cũng vào giảng dạy và hướng dẫn thực nghiệm ở giảng đường đại học cho sinh viên. Cán bộ nhà trường tham gia vào các chương trình dự án với doanh nghiệp. Đưa môi trường công việc cũng như sự trải nghiệm vào không gian nhà trường cho sinh viên. Đồng thời, đưa sinh viên ra trải nghiệm thực tế trong quá trình học tập tại các cơ quan, doanh nghiệp - đơn vị sẽ tuyển dụng sau này.