Tạo điều kiện tối đa cho thí sinh trong xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những thay đổi về kỹ thuật theo hướng có lợi cho thí sinh, nhà trường thì phần đề thi được nhiều trường đề xuất cần có tính phân loại tốt hơn.

Video ý kiến về đổi mới tuyển sinh 2021:

Những điểm mới trong tuyển sinh 2021

Theo PGS TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: “Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2021 ổn định như năm trước, chỉ có một số thay đổi nhỏ mang tính kỹ thuật và theo hướng có lợi cho thí sinh”.      

Những điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh 2021 là: Thí sinh  đăng ký nguyện vọng xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) giáo dục mầm non bằng 1 trong 2 hình thức: Bằng phiếu hoặc trực tuyến (tại những nơi có điều kiện). Đây là thay đổi có lợi cho thí sinh và phù hợp với thực tiễn; đồng thời là điểm nhấn ưu việt của dự thảo Quy chế này. Qua đó, giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội trong lựa chọn trường học, ngành học. Mặt khác, với sự điều chỉnh này sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học lựa chọn được các thí sinh phù hợp.     

Điểm mới nữa là sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng kí xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến. Thí sinh xác nhận nhập học vào cơ sở đào tạo đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (đối với thí sinh tham dự kì thi THPT của năm tuyển sinh) đến cơ sở đào tạo trực tiếp hoặc bằng hình thức thư chuyển phát nhanh, thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác.     

Thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, xét tuyển hoặc lọc ảo, mức thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh.  

Bộ GD&ĐT cũng dự báo, năm 2021, các yếu tố như dịch bệnh, thiên tai có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, vì vậy số lượng phương thức tuyển sinh sẽ đa dạng hơn.

Đề xuất giảm lệ phí xét tuyển     

Nhiều ý kiến đồng tình với một số điều chỉnh trong dự thảo Quy chế tuyển sinh mang tính kỹ thuật và theo hướng có lợi cho thí sinh. Tuy nhiên vẫn nên có những điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện tại.      

GS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội ủng hộ những điều chỉnh của Bộ GD&ĐT giúp việc tuyển sinh thuận lợi hơn cho người học và nhà trường. “Tuy nhiên, việc thu lệ phí đăng ký xét tuyển nên có sự thống nhất của Bộ. Để tránh những phức tạp cho các trường và thí sinh”, GS Nguyễn Hữu Tú cho hay.      

Liên quan đến lệ phí tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, theo cơ chế tự chủ, các trường được quyền thu mức phí tuyển sinh. Đăng ký xét tuyển là việc phức tạp, chủ yếu thực hiện ở cấp sở và các trường THPT. Nếu giao cho các trường thực hiện thu phí và phân bổ phí sẽ rất phức tạp, thậm chí có thể sẽ xuất hiện nhiều mức phí khác nhau ứng với từng nguyện vọng.     

PGS.TS Nguyễn Phong Điền đề xuất, năm nay phí tuyển sinh là 30.000 đồng/thí sinh thì có thể giảm xuống 25.000 đồng/nguyện vọng xét tuyển do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT khi vừa để xét tốt nghiệp và có đến hơn 50% các trường vẫn sử dụng kỳ thi này để xét tuyển, GS Nguyễn Hữu Tú cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh Bộ GD&ĐT giữ vai trò chỉ đạo trong kỳ thi này. Có nhiều khâu, trong đó có 3 khâu không nên chủ quan: Ra đề thi; Coi thi; Chấm thi. Đề thi năm ngoái trong tình hình dịch bệnh theo hướng cơ bản. Nhưng năm nay học sinh đã đi học trong điều kiện bình thường thì đề thi nên có tính phân loại nhiều hơn. Điều này giúp các trường tuyển được thí sinh phù hợp.  

Giải đáp về mức phí tuyển sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT Phạm Như Nghệ cho rằng: Về lệ phí tuyển sinh, Bộ không có thẩm quyền ra văn bản về việc này, mà sẽ do các  trường quyết định. Tuy nhiên, Vụ Giáo dục Đại học đã tham mưu với lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần có nhiều kịch bản, trong đó có việc giảm lệ phí do tác động của dịch COVID-19. Vụ đề xuất mức giảm là 5.000 đồng. Phần giảm này thuộc về phần hỗ trợ chung của Bộ, kinh phí cho các sở GD&ĐT và các trường vẫn sẽ như năm 2020.

Lê Vân- Lê Phú/Báo Tin tức
Năm 2021, Bộ Quốc phòng không tuyển sinh ngành tài chính và quan hệ quốc tế
Năm 2021, Bộ Quốc phòng không tuyển sinh ngành tài chính và quan hệ quốc tế

Năm 2021, Bộ Quốc phòng không tuyển sinh đào tạo ngành Tài chính tại Học viện Hậu cần và ngành Quan hệ quốc tế về quốc phòng tại Học viện Khoa học quân sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN