Tăng học phí để nâng cao chất lượng giáo dục

Kể từ ngày 1/1/2016, mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Hà Nội sẽ tăng. Tuy nhiên, mức tăng này không nhiều, chỉ vài chục nghìn đồng tháng, do thành phố đã có cơ chế cấp bù phần kinh phí còn thiếu cho ngành giáo dục.

Tăng ít

Đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2015 - 2016, mức thu như sau: Bậc nhà trẻ, mẫu giáo, THCS,THPT, giáo dục thường xuyên cấp THCS, giáo dục thường xuyên cấp THPT ở vùng thành thị là 60.000 đồng/tháng/học sinh, vùng nông thôn là 30.000 đồng/tháng/học sinh, miền núi là 8.000 đồng/tháng/học sinh. Thời gian thực hiện mức thu học phí mới được bắt đầu từ 1/1/2016. Thời gian thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập được tính từ ngày 1/12/2015.

Tổ chức giờ thực hành ngoài trời hay dã ngoại nhằm nâng cao chất lượng giáo dục là điều mà các trường công lập rất muốn làm nhưng gần như không có kinh phí.

Như vậy, so với mức thu hiện nay, khung học phí cơ bản được tăng thêm 30%. Hiện tại, mức thu ở vùng thành thị đang là 40.000 đồng/học sinh/tháng, ở vùng nông thôn là 20.000 đồng/học sinh/tháng và miền núi được miễn học phí. Về mức thu này, lãnh đạo Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết: Dựa trên nghị quyết về mức học phí do Chính phủ ban hành, tuy nhiên Hà Nội chọn mức tăng học phí thấp nhất, phần thiếu sẽ được bù bằng ngân sách của thành phố. “Điều này thể hiện sự quan tâm của thành phố đối với vấn đề giáo dục. Theo đó, cơ chế cấp bù luôn đảm bảo đủ 30% chi cho hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác, 70% chi cho lương. Các khoản thu cũng luôn được quy định rõ để tránh tình trạng lạm thu”.

Chất lượng phải tăng

Trước thông tin này, nhiều phụ huynh tỏ ra yên tâm. Chị Nguyễn Thị Hà (Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Thực tế, mức học phí đóng ở trường không khiến chúng tôi lo lắng. Bởi mỗi tháng học phí là 40.000 đồng, nay tăng lên 60.000 đồng, không phải là không đóng được. Nhưng điều luôn làm tôi phải cân đong đo đếm là tiền học thêm của con. Bởi mỗi buổi học thêm của con sẽ gấp đôi so với cả tháng học phí ở trường (khoảng 80.000- 100.000 đồng/buổi. Mà đó chỉ là mức giá bình dân, còn mức cao là 200.000 đồng/buổi. Tôi nghĩ, việc tăng học phí phải đi cùng với chất lượng giáo dục. Làm sao đó để học sinh không phải đi học thêm, yên tâm với việc học ở trường mới là điều đáng nói”.

Cùng suy nghĩ này, anh Phan Hải Long (có con học trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tăng mức phí phải đi cùng với chất lượng, dù là tăng ít hay nhiều. Mức phí tăng phải đủ để các trường tăng cường cơ sở vật chất, giúp giáo viên yên tâm giảng dạy ở trường. Có như vậy chính sách mới được người dân quan tâm ủng hộ”.

Suy nghĩ này của các bậc phụ huynh cũng chính là quan điểm của các chuyên gia giáo dục. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, thì việc tăng học phí phải đi cùng với tăng chất lượng. “Việc tăng học phí giúp các trường thêm nguồn đầu tư cho cơ sở vật chất và chi thường xuyên trong nhà trường thì chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ tốt hơn. Đây mới là điều người dân mong mỏi. Nhưng nếu tăng học phí không đi cùng với chất lượng mà họ vẫn phải gánh những khoản thu thêm, chi ngoài thì là sự mệt mỏi cho người dân”.
Lê Vân
Tăng học phí đi cùng với  hỗ trợ sinh viên nghèo
Tăng học phí đi cùng với hỗ trợ sinh viên nghèo

Thông tin tăng học phí khiến không ít sinh viên, đặc biệt là sinh viên đến từ những vùng nông thôn lo lắng. Tuy nhiên, nhiều trường khẳng định mức học phí vẫn giữ như năm cũ. Chỉ có những trường tự chủ tài chính mới tăng, nhưng đều đi kèm với chính sách miễn giảm học phí và tăng số học bổng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN